Chủ đầu tư dự án và nhà thầu đang nỗ lực vượt khó để đạt mục tiêu thông xe tuyến đường song hành Vành đai 4 ở Hưng Yên trước ngày 30/9/2025.
Quyết tâm đẩy tiến độ ngay từ đầu năm
Ngày 10/2 (tức ngày 13 tháng Giêng), phóng viên có mặt trên công trường thi công đường song hành vành đai 4 của tỉnh Hưng Yên. Thời điểm PV có mặt, mũi thi công thảm bê tông nhựa của nhà thầu Công ty CP Lizen đang vận hành dây chuyền để thảm bê tông nhựa chặt C19 lớp trên đoạn qua thôn Dũng Tiến, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu.
Sau 14 tháng thi công, hiện nay tuyến đường song hành Vành đai 4 đã bước sang giai đoạn làm bê tông nhựa mặt đường.
Cái lạnh của đợt gió mùa tăng cường cũng không làm vơi đi sức nóng của bê tông nhựa và sự hối hả của đội ngũ kỹ sư, công nhân trên công trường. Từng xe bê tông nhựa được rót ra từ trạm trộn cách đó hơn 500m, khi đổ vào máy dải vẫn còn nghe tiếng xèo xèo. Nhựa dải ra đến đâu, giàn lu sắt, lu lốp nối đuôi nhau nén phẳng đến đó.
Kỹ sư Nguyễn Công Trường, Chỉ huy trưởng gói thầu 2.2 của nhà thầu Lizen cho biết: Đây là ca thảm thứ 4 kể từ Tết đến giờ. Nếu thời tiết thuận lợi trung bình cứ 2 - 3 ngày là chúng tôi lại tổ chức một đợt thảm. Mỗi ca thảm được khoảng 1.800 tấn bê tông nhựa, tương đương 700m đường (tuỳ chiều dày lớp thảm).
Ở dự án đường song hành vành đai 4, Lizen là nhà thầu duy nhất triển khai thi công 33,5km đường song hành trái, phải. Sau 14 tháng triển khai thi công, đến nay Lizen đã thảm được 6km/25km. Các đoạn còn lại đã cơ bản xong phần nền và đã chuyển sang giai đoạn làm cấp phối đá dăm.
Chỉ huy trưởng gói thầu 2.2 của nhà thầu Lizen thông tin về các biện pháp tổ chức thi công trên công trường nhằm rút ngắn tiến độ dự án.
“Để có được kết quả này, từ khi triển khai thi công, Lizen đã lập kế hoạch thi công với mục tiêu rút ngắn tiến độ. Bất cứ vị trí nào có mặt bằng sạch, nhà thầu đều bố trí công nhân, thiết bị để thi công luôn. Đặc biệt, ở buổi lễ khởi công, lãnh đạo Lizen cam kết sẽ rút ngắn tiến độ từ 3 - 6 tháng, cho nên trên công trường các mũi thi công được yêu cầu làm 3 ca 4 kíp không kể thứ 7, chủ nhật.
Trong đợt tết Nguyên đán Ất Tỵ, lịch nhà nước nghỉ 9 ngày, nhưng anh em làm đến hết ngày 28 tháng Chạp, sau đó bố trí người trực Tết. Đến mùng 3 anh em trở lại công trường làm với 50% quân số. Mùng 6 Tết, 165 kỹ sư công nhân có mặt đầy đủ, chia làm 8 mũi làm đồng loạt đến nay. Ngoài ra, đơn vị còn bổ sung thêm quân số từ dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang về để đẩy tiến độ”, kỹ sư Trường cho hay.
Lái lu Nguyễn Văn Ngọc nói về những trở ngại do thời tiết rét đậm khi thi công dự án đường song hành Vành đai 4.
Là người vừa được điều động về công trường trong dịp Tết, lái lu Nguyễn Văn Ngọc (36 tuổi) cho biết: “Lúc mới ra đây, thời tiết lạnh quá, lại phải làm việc giữa chốn “đồng không, mông quạnh” nên trong người hay cảm thấy khó chịu. Giờ thì mình đã quen rồi! Với cả lu trên mặt nhựa đang còn nóng, thì cũng đỡ rét hơn”.
Đứng bên cạnh giám sát, kỹ sư An - Tư vấn dự án cho biết: Mùng 3 Tết, nhà thầu triển khai làm thì đội ngũ tư vấn cũng có mặt luôn. Từng hạng mục đều có anh em giám sát. Vừa đảm bảo chất lượng kỹ thuật cao nhất của công trình, vừa để kịp thời làm hồ sơ nghiệm thu cho nhà thầu chuyển giai đoạn. Tiến độ công trường đẩy nhanh bao nhiêu thì anh em tư vấn cũng phải bám và làm việc nhiều hơn bấy nhiêu.
Lo mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án công trình giao thông Sở GTVT Hưng Yên (đại diện chủ đầu tư), Dự án thành phần 2.2 “Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Hưng Yên”, hiện nay nhà thầu đã thi công đạt giá trị tương đương 421,2/1.253 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 33,66%). Cơ bản đảm bảo tiến độ rút ngắn mà tỉnh đề ra.
Mặt bằng xôi đỗ khiến cho công tác thi công gặp khó khăn, nhà thầu lo ngại khó hoàn thành mục tiêu thông xe theo đúng thời gian mà lãnh đạo tỉnh Hưng Yên giao. (Ảnh: vị trí giao cắt với đường 379 đang vướng đất của doanh nghiệp chưa GPMB xong).
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB đối với đất nông nghiệp, đất công; đang tổ chức triển khai các bước GPMB phần đất ở, đất doanh nghiệp. Tổng diện tích đất đã thu hồi và bàn giao cho chủ đầu tư là 202,9/225,9 hecta (đạt tỷ lệ 90%).
Đối với diện tích đất ở, các địa phương đã hoàn thành công tác kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, hiện tại đang tổ chức lập và công khai phương án bồi thường, hỗ trợ; đang xây dựng phương án tái định cư.
Lo ngại mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công, kỹ sư Trường cho biết: Nhìn tổng thể khối lượng mặt bằng bàn giao khá lớn, nhưng thực tế đến nay vẫn còn đến 8,6km đường song hành trái, phải chưa thể thi công vì mặt bằng xôi đỗ. Đặc biệt, phần còn lại đều là phần khó giải phóng như: đất ở trong khu dân cư, đất doanh nghiệp buộc phải tái định cư. Trong khi đó, các khu tái định cư vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa có phương án áp giá để làm căn cứ đền bù. Ngoài ra, còn có 6 vị trí cột cao thế chưa di dời; 2 vị trí với 3 cầu chưa thể triển khai.
“Trong các đoạn chưa bàn giao mặt bằng, có cả những vị trí phải xử lý nền đất yếu. Nếu trong tháng 2 này, địa phương không bàn giao thì chắc chắn phải thay đổi phương án xử lý nền đất yếu như: chuyển sang làm cọc xi măng đất, tăng tải… Những phương án này, chủ đầu tư và tư vấn đang nghiên cứu. Nhưng nếu thực sự phải thay đổi sẽ làm tăng chi phí thi công. Trước mắt, để khắc phục vấn đề mặt bằng, đơn vị đang cho tập kết trước vật liệu, đúc trước 24 phiến dầm Supper T của 2 cầu Bắc Hưng Hải; tập kết trước sắt thép và các loại vật liệu để làm cầu vượt sông Đồng Quê (cầu dầm bản)”, kỹ sư Trường nói.
Để giải quyết vấn đề mặt bằng, ngay từ ngày mùng 6 Tết (tức ngày 3/2), khi đi kiểm tra hiện trường, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu: Các địa phương nơi tuyến đường đi qua cần khẩn trương, linh hoạt trong công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích đất ở, đất doanh nghiệp, bố trí vị trí đặt móng hạ tầng lưới điện. Phương châm “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”; kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là về cơ chế, chính sách với tinh thần trách nhiệm cao nhất, vì sự phát triển của tỉnh; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phấn đấu hoàn thành GPMB diện tích đất ở trước ngày 28/2, thông xe kỹ thuật trước 30/9/2025.
Ông Nguyễn Đăng Trung, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA CTGT Hưng Yên cho biết: Dự án đường song hành vành đai 4 là công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đồng thời, được tỉnh chọn làm một trong những công trình về đích sớm nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Do đó, ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, Ban đã yêu cầu tư vấn và nhà thầu tập trung 100% phương tiện, máy móc, thiết bị thi công và huy động 100% lực lượng kỹ sư, công nhân, người lao động trở lại công trường làm việc. Đồng thời, xây dựng các kịch bản thi công khi mặt bằng bàn giao muộn hơn dự kiến; Tập kết trước vật liệu để khi có mặt bằng là thi công được ngay. Mục tiêu sẽ thông xe toàn tuyến trước 30/9 theo đúng chỉ đạo của tỉnh.
Theo Nghị quyết số 56 về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4, Hưng Yên được giao phối hợp với Hà Nội triển khai dự án thành phần 3 (đường cao tốc) và trực tiếp tổ chức thực hiện hai dự án thành phần là dự án 1.2 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên có mức đầu tư 3.739,9 tỷ đồng) và dự án 2.2 (xây dựng đường song hành, đường đô thị với mức đầu tư 1.504,6 tỷ đồng).
Dự án 2.2 được khởi công vào ngày 22/11/2023, thời gian hoàn thành theo hợp đồng là vào ngày 29/8/2026.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vuot-kho-mat-bang-phan-dau-thong-xe-duong-song-hanh-vanh-dai-4-o-hung-yen-truoc-30-9-192250211212416335.htm
Bình luận (0)