SGGPO
“Phải quyết liệt xử phạt tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, đồng thời phát huy, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo của địa phương, Thủ Đức mới giữ vững kết quả hiện tại. Còn lơ là, chủ quan, nguy cơ dịch bệnh bùng phát như năm 2022 có thể xảy ra”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chỉ đạo.
Ngày 6-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức và đoàn công tác có buổi kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại TP Thủ Đức.
Đoàn công tác khảo sát thực tế tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: QUANG HUY |
Khảo sát thực tế tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM, đoàn kiểm tra ghi nhận, công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại Trường Mầm non An Lộc (số 8A, đường 21, phường Hiệp Bình Chánh) được thực hiện nghiêm.
Theo nhà trường, phòng ốc, thiết bị, đồ chơi cho bé được nhà trường vệ sinh, khử khuẩn 2 lần/tuần, nên từ đầu năm tới nay, không ghi nhận trẻ mắc sốt xuất huyết (SXH) hoặc tay chân miệng (TCM).
Đoàn đến khảo sát tại Trường Mầm non An Lộc. Ảnh: QUANG HUY |
Tuy nhiên, tại khu đất dự án nhà ở khoảng 3ha của Công ty TNHH Lâm nông thổ sản (đường 28, KP 4, phường Hiệp Bình Chánh), đoàn kiểm tra ghi nhận, vẫn còn nhiều địa điểm có nguy cơ, chưa được xử lý, trong khi người dân ở đây vẫn còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh; một số vị trí trở thành nơi chứa rác thải vật liệu xây dựng, xen kẽ là những căn nhà lụp xụp; nhiều nơi, nước và rác thải sinh hoạt chưa được thu dọn, khử khuẩn…
Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, ngoài khu đất của Công ty TNHH Lâm nông thổ sản, trên địa bàn còn 2 dự án lớn đã được quy hoạch nhiều năm nhưng chậm triển khai là dự án Hồ điều tiết (quy mô 25 ha) và dự án Ga Bình Triệu (trên 47 ha); khoảng 1.000 phòng trọ xây dựng đã lâu, xuống cấp có nguy cơ lây lan dịch cao. Từ đầu năm đến nay, địa phương ghi nhận 119 ca Covid-19; 66 ca SXH (giảm 61% so với cùng kỳ năm 2022) và 86 ca TCM.
“Trong 4 tuần trở lại đây, phường không ghi nhận số ca mắc mới, đây là tín hiệu khích lệ để địa phương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Khu đất dự án nhà ở của Công ty TNHH Lâm nông thổ sản vẫn còn nhiều địa điểm có nguy cơ, chưa được xử lý. Ảnh: QUANG HUY |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng, từ đầu năm 2023 đến nay, TP Thủ Đức ghi nhận có 92 ổ dịch với 1.037 ca bệnh SXH (giảm 48% so với cùng kỳ năm 2022); có 672 ca TCM, nhưng đáng lo là, trong tháng 6, ghi nhận 414 ca mắc TCM (tăng 266% so với tháng 5). Thủ Đức còn 950 điểm nguy cơ, trong đó, đã kiểm tra, giám sát 637 điểm; xóa 4 và thêm 10 điểm mới.
Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức chia sẻ, Thủ Đức có địa bàn rộng, dân nhập cư, vẫn còn một số hộ gia đình trữ nước bằng lu, hồ để sử dụng cho việc chăn nuôi, tưới cây cảnh dẫn đến tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý điểm nguy cơ SXH, TCM của một số phường chưa quyết liệt, công tác xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ chưa quyết liệt. Nhân sự thực hiện công tác phòng, chống dịch ở các khu phố còn thiếu.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức làm việc với TP Thủ Đức về công tác phòng chống dịch. Ảnh: QUANG HUY |
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá công tác phòng chống dịch SXH, TCM và Covid-19 của TP Thủ Đức cơ bản tốt, kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên, vẫn còn sự chủ quan của số ít người dân và sự vào cuộc chưa quyết liệt của một vài địa phương.
“Phải quyết liệt xử phạt tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, đồng thời phát huy, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo của địa phương, Thủ Đức mới giữ vững kết quả hiện tại. Còn lơ là, chủ quan, nguy cơ dịch bệnh bùng phát như năm 2022 có thể xảy ra”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức kết luận.
“Người dân cần dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình sinh sống, làm việc, từ trong nhà đến xung quanh nhà. Không để vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng, lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến, cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt”, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) khuyến cáo.