Đội tuyển Việt Nam thua cả 3 trận trong loạt giao hữu quốc tế tháng 10. Các học trò của huấn luyện viên Philippe Troussier không ghi được bàn thắng nào và thủng lưới tới 10 lần, trong đó thất bại với tỉ số 0-6 là trận thua đậm nhất của đội tuyển Việt Nam trong hơn 20 năm qua.
Việc đội tuyển Việt Nam thất bại liên tiếp trong tháng 10 không bất ngờ. Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc đều là những đội bóng mạnh hàng đầu châu Á.
Theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, việc lựa chọn những đối thủ mạnh vượt trội để thi đấu giao hữu trong hoàn cảnh đội tuyển Việt Nam chưa ở trạng thái tốt nhất là sự tính toán có rủi ro của HLV Troussier và đội ngũ chuyên môn của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Thất bại và sự chỉ trích là những rủi ro mà đội tuyển Việt Nam phải chấp nhận để nhìn ra các vấn đề và có phương án giải quyết.
video-element" data-id="oXyK3RWVGN4pdXiRRYw4jQa_b_ca_b_c" data-poster="https://cdn-i.vtcnews.vn/upload/2023/10/17/dt-viet-nam-han-quoc-nguyen-dinh-bac-20183779.jpg"/>
Đội tuyển Việt Nam 0-6 Hàn Quốc
– Đội tuyển Việt Nam thua đậm Hàn Quốc không phải kết quả bất ngờ. Thất bại trước đối thủ chênh lệch quá nhiều về đẳng cấp liệu có ý nghĩa gì về mặt chuyên môn?
Tỉ số 0-6 không bất ngờ. Trình độ của 2 đội khác nhau nhiều quá. Trận thua này phản ánh đúng sự chênh lệch đẳng cấp giữa đội tuyển Việt Nam và Hàn Quốc. Dù vậy, tôi vẫn nhìn thấy một vài điều bên ngoài kết quả trận đấu.
Nếu chỉ để chuẩn bị cho vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á, việc đá giao hữu với đội tuyển Hàn Quốc là thừa thãi. Họ hơn chúng ta gần 70 bậc trên bảng xếp hạng FIFA. Trong khi đó, ở vòng loại thứ hai, các đối thủ của đội tuyển Việt Nam không có đội nào mạnh như vậy.
Tuy nhiên, đây là sự trang bị quan trọng để đội tuyển Việt Nam hướng tới những thách thức xa hơn thế, ví dụ như vòng loại thứ ba – nếu đội tuyển Việt Nam vào được. Khi đó, đội tuyển chắc chắn gặp các đối thủ mạnh hàng đầu châu Á. Các cầu thủ cần biết được phải làm gì để đáp ứng với những yêu cầu ở cấp độ cao.
Đội tuyển Việt Nam thu được nhiều bài học từ trận thua Hàn Quốc. (Ảnh: VFF)
– Có thể nói đội tuyển Việt Nam chấp nhận thất bại và những lời chê bai để đổi lấy bài học.
Đương nhiên thất bại có ảnh hưởng về mặt tâm lý. Tuy nhiên, tôi cảm nhận được các cầu thủ xác định trước về mặt tinh thần là có khả năng cao sẽ thua. Họ nhập cuộc và có thái độ sẵn sàng, chấp nhận bài học để có thể hướng tới mục tiêu xa hơn. Điều đó thể hiện ở việc khi đã thua 3 bàn, 5 bàn hay 6 bàn thì đội tuyển Việt Nam vẫn hướng lên phía trước, cầm bóng và tổ chức tấn công.
Đội tuyển Việt Nam có thể thất bại, thậm chí thua đậm. Tôi cho rằng thua 0-1 với 0-6 trong một trận giao hữu cũng không khác nhau nhiều lắm. Nếu cứ trở lại với lối chơi của giai đoạn trước, chỉ chơi phòng ngự rồi thua 0-1, chúng ta có thể rồi vỗ về nhau thì đội tuyển Việt Nam chẳng tích lũy gì, không biết mình đi được đến đâu.
Đội tuyển Việt Nam thua Hàn Quốc là chuyện bình thường. Chúng ta kém hơn và thua, nhưng điều quan trọng là các cầu thủ dám đối mặt. Khuất Văn Khang vẫn tự tin đi bóng qua các cầu thủ và quyết tâm ghi bàn. Đó là điều cần thiết của đội bóng đang tích luỹ và phát triển.
Khuất Văn Khang và một số cầu thủ trẻ thể hiện tích cực trước những đối thủ vượt trội về trình độ. (Ảnh: VFF)
Đương nhiên khi vào trận, không ai muốn thua đến 6 bàn. Chúng ta nên bỏ qua câu chuyện về điểm yếu của đội nhà trong trận đấu như thế này, bởi đây là sự khác biệt về đẳng cấp. Chúng ta kém đối thủ về mọi mặt.
Nếu không muốn thua Hàn Quốc thì chỉ có không đá giao hữu với họ. Còn nếu đấu với Hàn Quốc thì phải chấp nhận thất bại để đổi lấy bài học.
Giảm bàn thua là một vấn đề, nhưng phản ứng và chơi bóng trước các bàn thua cũng là vấn đề. Đội tuyển Việt Nam đâu có nhiều có cơ hội chơi bóng với các cầu thủ đẳng cấp thế giới. Trước mắt đội tuyển Việt Nam là các ngôi sao của PSG, Bayern Munich, Tottenham, rất ít cơ hội được đá với họ, để qua người và ghi bàn.
– Người hâm mộ không hài lòng khi đội tuyển Việt Nam thất bại là điều dễ hiểu. Những trận thua liên tiếp và thua rất đậm khiến sức ép dành cho HLV Troussier tăng lên.
Đây là chuyện không dễ dàng và không dễ chịu. Cho dù ông Troussier dày dạn về tuổi đời, tuổi nghề thì đây vẫn là chuyện không dễ chịu và nếu tình trạng này kéo dài, HLV người Pháp có thể không trụ lại được. Đó là rủi ro mà HLV Troussier phải chấp nhận khi chọn con đường này cho đội tuyển Việt Nam. Ở chiều ngược lại, sự lựa chọn mang tên Troussier cũng có rủi ro đối với bóng đá Việt Nam.
HLV Troussier đối mặt với nhiều chỉ trích.
Mối lương duyên này vẫn có rủi ro. Tôi cho rằng ông Troussier cũng có bản lĩnh và sự chuẩn bị để đối mặt thực tại. Ở góc độ người xem, phản ứng với thất bại cũng là bình thường nhưng tôi cho rằng áp lực mà dư luận tạo ra lúc này trên mức cần thiết và thiếu một chút khách quan.
Cần nhớ rằng đây mới là các trận đấu tập huấn. Mục tiêu của đội tuyển Việt Nam vẫn ở tương lai. Thất bại ở vòng loại World Cup, Asian Cup hay AFF Cup mới là chuyện lớn.
– Đội tuyển Việt Nam đi qua 6 trận đấu để thử nghiệm, xây dựng đội hình và lối chơi. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, người hâm mộ có lí do để lo lắng cho loạt trận vòng loại World Cup 2026 vào tháng 11.
Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 không phải là quá khó. Đội tuyển Iraq vượt trội nhưng chưa đến mức như Hàn Quốc. Indonesia, Philippines ở thời điểm hiện tại có thể chơi ngang ngửa với đội tuyển Việt Nam, nhưng chúng ta không lép vế. Tôi tin tưởng việc đội tuyển Việt Nam đủ sức giành kết quả tốt để đi tiếp.
Tất nhiên, rủi ro trong bóng đá vẫn có thể xảy ra. Tháng 11 là những trận đấu chính thức, vừa tầm hơn nhưng có ý nghĩa rõ ràng hơn. Đó là lúc chúng ta có câu trả lời cho câu hỏi con đường này, phương pháp này, nhân sự này có hợp lý hay chưa.
HLV Troussier có phải lựa chọn chính xác hay không, hãy nhìn vào màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ hai World Cup 2026. Nếu không vô địch AFF Cup hay không thể hiện tốt ở vòng loại thứ hai, thật khó để kiên nhẫn với HLV Troussier. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể khẳng định như vậy.
– Xin cảm ơn những phân tích của anh.