Hoàng Đức lại đá tiền đạo
Từ khi còn đá ở đội trẻ Thể Công Viettel, lên đội tuyển U.19, U.22 Việt Nam, bước lên sân chơi V-League rồi khoác áo đội tuyển quốc gia, Nguyễn Hoàng Đức đã bước qua nhiều vị trí: tiền vệ trung tâm, tiền đạo lùi, tiền vệ cánh, thậm chí… trung vệ.
Tuy nhiên, ngôi sao sinh năm 1998 đã định hình năng lực trong vai trò tiền vệ trung tâm. Trong màu áo đội tuyển Việt Nam, Hoàng Đức bắt đầu tìm được chỗ đứng vào tháng 6.2021, trong 3 trận cuối ở vòng loại thứ hai World Cup 2022. 4 năm qua, Hoàng Đức là tiền vệ ổn định bậc nhất trong vai trò cầm trịch lối chơi và phát triển bóng.
Song, Hoàng Đức có một khoảng lặng dưới thời HLV Philippe Troussier. Nhà cầm quân người Pháp thử nghiệm anh trong vai trò tiền đạo lạ lẫm. Thực tế, Hoàng Đức từng chơi tiền đạo lùi ở Thể Công Viettel, được các HLV như Thạch Bảo Khanh, Trương Việt Hoàng tạo điều kiện tiếp cận vòng cấm thường xuyên hơn. Nhưng đó là khi Thể Công Viettel có một trung phong với thể hình tốt để làm tường, che chắn yểm trợ cho Hoàng Đức ở tuyến trên.
Còn ở đội tuyển Việt Nam, Hoàng Đức đã thất bại trong phép thử tiền đạo của HLV Troussier. Cầu thủ 26 tuổi không giỏi chơi ở thế quay lưng với khung thành. Hoàng Đức có thể che chắn bóng, nhưng lại không mạnh ở các pha xoay bóng qua người. Anh cũng không nổi bật ở tốc độ, sức rướn, cùng kỹ năng dứt điểm chỉ ở mức “đủ dùng”. Hoàng Đức không chơi tốt trong các trận đá tiền đạo, sau đó mất dần chỗ đứng. Anh chỉ trở lại tuyến giữa trong những trận cuối của HLV người Pháp, nhưng đã quá muộn.
Khi HLV Kim Sang-sik tiếp quản ghế nóng, ông đã trả lại Hoàng Đức về lại tuyến giữa. Anh chơi 2 trận gặp Philippines và Iraq trong vai trò cầm nhịp và điều tiết lối chơi. Dù vậy trong các trận giao hữu gần nhất, Hoàng Đức lại đá tiền đạo.
Cùng vị trí, nhưng vai trò của tân binh đội Ninh Bình đã thay đổi. Về lý thuyết, tiền vệ 26 tuổi đá cao nhất trên hàng công. Nhưng trên thực tế, Hoàng Đức liên tục “giật lùi” về tuyến giữa để hỗ trợ triển khai bóng. Mỗi khi lùi về, Hoàng Đức sẽ kéo theo một cầu thủ đối phương, mở ra khoảng trống phía sau để đồng đội xâm nhập. Ở trận gặp Ấn Độ, Hoàng Đức được bố trí chơi tự do, di chuyển linh hoạt giữa hàng tiền vệ và hàng công để tìm khoảng trống kiến tạo, dứt điểm.
Nhưng, hiệu quả đóng góp lối chơi của Hoàng Đức ở vai trò mới vẫn chưa rõ rànng.
HLV Kim Sang-sik sẽ điều chỉnh?
HLV Kim Sang-sik chỉ có trong tay một trung phong thuần túy, đó là Nguyễn Tiến Linh. Những cầu thủ trước đây cũng đá trunng phong giống Tiến Linh như Nguyễn Công Phượng, Hà Đức Chinh đều đã sa sút, không còn hiện diện ở đội tuyển Việt Nam.
Hàng công rất mỏng khiến ông Kim phải có phương án B, trong bối cảnh Tiến Linh chỉ mới bình phục chấn thương lưng. Với lực lượng đang có, Hoàng Đức dù chưa phải phương án tốt nhất, nhưng anh là cái tên… khả dĩ nhất có thể chơi trên đỉnh tuyến tấn công nhờ thể hình và tư duy chiến thuật. HLV Kim Sang-sik không còn ai có thể đảm nhiệm vị trí này.
Những mũi tấn công như Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Văn Toàn có sở trường dạt biên, còn Phạm Tuấn Hải vốn là tiền đạo lùi. Đây là những cầu thủ mạnh về xâm nhập khoảng trống, hơn là trở thành tiền đạo mục tiêu để làm tường, mở ra khoảng trống cho đồng đội.
Tình trạng này của đội tuyển Việt Nam đến từ việc phần lớn các đội V-League “khoán” suất trung phong cho cầu thủ ngoại, còn nội binh phải dạt biên hoặc đá lùi.
Chỉ có Bình Dương của Tiến Linh là đội duy nhất xây dựng hàng công toàn nội binh. Khi tiền đạo nội không có đất dụng võ, chuyện HLV cấp đội tuyển khó tìm người tài là tất yếu.
Tuy nhiên, khi hàng tiền vệ đội tuyển Việt Nam cũng đang rất mỏng với thực tế “thừa lượng, thiếu chất”, Hoàng Đức có thể sẽ được trả về đúng vị trí. Còn với vai trò trung phong, có thể ông Kim sẽ trông đợi ở Nguyễn Xuân Son, hoặc đặt ván cược vào Công Phượng để tìm người sát cánh với Tiến Linh.
Nguồn: https://thanhnien.vn/phep-thu-hoang-duc-cua-thay-kim-co-vo-nghiem-nhu-thoi-hlv-troussier-185241024121201207.htm