Chiếc túi da đựng cây vĩ cầm của nhạc công chơi trong lúc tàu Titanic chìm dự kiến được đưa ra đấu giá vào ngày 27/4 tới và kỳ vọng đạt mức giá lên tới 120.000 bảng Anh (tương đương gần 3,8 tỷ đồng).
Chiếc túi da đựng đàn cây vĩ cầm của nhạc công chơi đàn trong lúc tàu Titanic vẫn còn ở trạng thái lý tưởng. (Nguồn: Daily Mail) |
Khi tàu Titanic chìm xuống đại dương, có một ban nhạc vẫn say mê chơi. Gần 100 năm sau thảm kịch hàng hải, người ta tìm thấy lại cây vĩ cầm của nhạc công Wallace Hartley và đem bán đấu giá hồi năm 2022. Cây đàn từng đạt mức giá 1,1 triệu bảng Anh.
Giờ đây, chiếc túi da dùng để đựng cây đàn cũng sẽ được đem ra bán đấu giá. Cuộc đời của nhạc công Wallace Hartley một lần nữa được nhắc nhớ lại.
Đại diện nhà đấu giá Henry Aldridge & Son (Anh) – đơn vị sắp rao bán chiếc túi da cho biết, họ đã nhờ các chuyên gia phục chế xử lý những chi tiết kim loại trên chiếc túi da. Nhìn chung tình trạng chiếc túi da vẫn ở trạng thái lý tưởng.
Cây đàn được nhạc công Wallace Hartley sử dụng trên tàu Titanic. (Nguồn: Daily Mail) |
Nhạc công Wallace Hartley. (Nguồn: Daily Mail) |
Ít ai biết, cây vĩ cầm vốn đã bị thất lạc trong vài thập kỷ. Năm 2006, con trai của một người nhạc công đã tình cờ tìm thấy cây đàn này nằm trên tầng gác mái nhà mình và quyết định đem rao bán đấu giá. Trên thân đàn có một mảnh bạc chạm khắc những thông tin giúp làm rõ nguồn gốc cây đàn.
Cây đàn vốn là do vị hôn thê của nhạc công – cô Maria Robinson – dành tặng, như một món quà đính ước, năm 1910. Trên miếng bạc gắn ở thân đàn có khắc dòng chữ: “Dành tặng anh Wallace nhân ngày đính hôn của chúng mình. Maria”.
Nhắc lại thời khắc xảy ra thảm kịch, ngày 14/4/1912, nhạc công 33 tuổi đã cùng 7 thành viên khác biểu diễn trên boong tàu, trong cơn hỗn loạn khi tàu đang dần chìm, hành khách hoảng loạn tìm cách lên thuyền cứu hộ. Được biết trong những giờ phút cuối cùng, họ đã chơi bản nhạc Nearer, My God, To Thee (tạm dịch: Gửi Người, con đang tới gần hơn với Chúa). Các thành trong ban nhạc cùng với hơn 1.500 hành khách và thủy thủ đoàn đã ra đi trong thảm kịch hàng hải.
Vài ngày sau, thi thể của nhạc công Hartley đang ôm cây đàn đã được tìm thấy. Sau đó, người ta đã đem trao lại cho vị hôn thê của chàng nhạc công cây đàn cùng với những vật dụng cá nhân khác. Trong cuốn nhật ký của cô Maria Robinson, vào ngày 19/7/1912, sau khi nhận lại được cây đàn của hôn phu quá cố, cô Robinson đã viết vào nhật ký: “Em dành sự biết ơn vô hạn cho những người đã mang về đây cây đàn của anh. Cây vĩ cầm giờ đây sẽ là sợi dây kết nối tình yêu giữa em và anh”.
Cô Maria Robinson chỉ xin nhận lại cây vĩ cầm, những món đồ tùy thân khác của nhạc công Hartley đều được cô gửi lại cho cha ruột của nhạc công Hartley. Tuy nhiên, khi biết Maria Robinson không lập gia đình, chao nhạc công Harley đã gửi tặng tất cả những món di vật của con trai mình cho cô Robinson và được cô gìn giữ cẩn thận.
Cô Robinson qua đời ở tuổi 59 tại thị trấn Colne, hạt Lancashire, Anh. Sau khi bà qua đời, những món đồ trong nhà bà bắt đầu bị phân tán và thất lạc, bao gồm cả cây vĩ cầm.
Đến năm 2006, sau khi cây đàn tình cờ được tìm thấy lại và được đem ra rao bán đấu giá, người chủ giấu tên của cây đàn đã chia sẻ: “Tôi nghĩ mình nên làm điều có ý nghĩa nhất đối với cây vĩ cầm. Hiện tại, nó đã không còn chơi được nữa, nhưng tôi tin nó vẫn có một câu chuyện rất đáng được kể lại”.
Cây vĩ cầm hiện được trưng bày tại Bảo tàng Titanic Belfast (Anh). Chiếc túi da đựng đàn có những chữ cái viết tắt tên của nhạc công Wallace cũng sắp tìm được chủ nhân mới.
(theo Dân trí)