Tục lệ hay đầu năm: Nghênh xuân và khuyến khích nghề nông

Đầu xuân, vua nhà Nguyễn tiến hành các nghi lễ thể hiện sự khuyến khích, coi trọng nghề nông.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên04/02/2025

Theo sách Quốc triều chính biên toát yếu, triều đình nhà Nguyễn nghỉ tết 12 ngày, từ ngày 25 tháng chạp đến mùng 7 tháng giêng.

Vua Gia Long chuẩn định cứ cuối năm thì ngày 13 tháng chạp yết lăng, ngày 24 lạp tế, ngày 25 hợp bửu (niêm phong ấn tín). Vào đầu năm, ngày 7 tháng giêng khai bửu, duyệt binh.

Triều Nguyễn bắt đầu áp dụng mô hình này từ Tết Nguyên đán năm Kỷ Tỵ (1809) đến mãi sau này. Ngoài ra, các đời sau còn có thêm lễ Thượng nêu, thường được tổ chức vào ngày 30 tháng chạp.

Mùng một tết cha, mùng ba tết thầy

Trong các ngày tết, vua nhà Nguyễn thường chỉ tổ chức các hoạt động nghi lễ trong phạm vi cấm thành, như lễ chầu mừng của các quan và hoàng thân vào sáng mùng 1, lễ ban yến cho các quan đại thần, lễ mừng tết thái hậu, các nghi lễ dâng hương cúng tổ tiên ở Thái miếu, Thế miếu, điện Phụng Tiên, đền thờ các công thần, mừng tuổi cho các thành viên hoàng gia và quan lại, binh lính...

Hình tượng con trâu trên Cửu đỉnh Huế

ẢNH: VÕ THẠNH

Trong ngày mùng 3 tết, một số vua đi thăm thầy dạy của mình, đúng với câu "mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy" của dân gian.

Ngày mùng 5, vua đi du xuân, thăm viếng lăng tẩm, chùa đền bên ngoài kinh thành.

Đến ngày mùng 7, triều đình làm lễ Khai hạ (hạ nêu) và Khai bửu. Ngày này, các viên quan giữ ấn tín làm lễ, rồi thực hiện nghi thức mở niêm phong, mở hòm ấn tượng trưng một năm làm việc mới bắt đầu.

Cũng theo Quốc triều chính biên toát yếu, vua triều Nguyễn còn tổ chức duyệt binh vào ngày mùng 7 tháng giêng. Đại Nam thực lục có ghi cụ thể về việc duyệt binh đầu năm mới ở năm Minh Mạng thứ nhất (1820): "Sáng sớm ngày ấy biền binh các dinh thuộc quân Thị trung, Thị nội, Thần sách đều họp cả ở trước điện Càn Nguyên. Sai Thị thư viện 5 người và 6 bộ (2) mỗi bộ 3 người, hiệp với Bộ Binh xét điểm. Vua mặc nhung phục ngự ở điện Càn Nguyên xem duyệt. Lệ duyệt binh bắt đầu từ đấy".

Để tâm việc canh nông

Sang thời Nguyễn, phải đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829), mới bắt đầu làm lễ Nghênh xuân, Tiến xuân. Việc này được thực hiện theo đề xuất của Bộ Lễ. Bộ Lễ xin rằng: "Phàm rước xuân là để dẫn hòa khí cũng là một cách gây dựng giúp đỡ, mà lấy roi đánh trâu là có ý khuyên việc cày cấy, lại là ngụ ý trọng nông. Nay hoàng thượng ta chăm lo nguồn sống của dân, để tâm về việc canh nông, cái gì có quan hệ đến việc khuyến khích thì có lẽ nên phỏng theo đời xưa châm chước mà làm".

Chuẩn bị cho lễ Tịch điền xưa

ẢNH: TƯ LIỆU

Bộ này cũng bàn thêm với vua Minh Mạng rằng: "Còn như lễ Tiến xuân, ngoài Mang thần và trâu đất còn có núi xuân, đúng là điển lớn của thời thăng bình, xin hằng năm sai Hữu ty chế Mang thần và trâu đất đều 3 bộ, xuân sơn bảo tọa 2 vị, trước ngày lập xuân 1 ngày, phủ Thừa Thiên bày đàn làm lễ trước ở nơi Đông giao, gọi là lễ Nghênh xuân, lễ xong, rước 2 án Mang thần, trâu đất, và núi xuân để ở nhà Lễ bộ. Đến ngày lập xuân, quan bộ, cùng viên Kinh doãn và viên Khâm thiên giám, đều mặc triều phục, đem đến cửa Tiên Thọ và cửa Hưng Khánh, thái giám tiếp nhận dâng lên gọi là Tiến xuân. Còn một án Mang thần và trâu đất thì bày ở phủ thự, viên Kinh doãn đánh vào con trâu 3 roi để tỏ khuyên việc cày cấy", nhà vua theo lời bàn này.

Cũng như thời Lê, đàn tế được triều Nguyễn chọn đặt ở ngoài quách cửa chính Đông Kinh thành. Lễ rước xuân được tổ chức long trọng. Các quan viên Đề đốc, Phủ doãn, Phủ thừa... đều phải mặc áo đỏ, hoặc tía đi sau đội lễ nhạc, nghi trượng, tán, lọng và khiêng các án Mang thần và Trâu đất được rước tới nhà bộ Lễ và được để yên tại nơi này.


Sáng sớm ngày lập xuân, Bộ Lễ cùng với phủ Thừa Thiên và các quan ở Khâm thiên giám đều mặc triều phục khiêng 2 án trâu đất và Mang thần với đầy đủ tàn, lọng, nhã nhạc, nghi trượng dẫn đầu. Sau đó, chia ra đến ngoài cửa Tiên Thọ và cửa Hưng Khánh đứng đợi. Đến giờ tốt, các quan trong nội giám tiếp nhận, đưa tiến. Lúc này, viên phủ Thừa Thiên trở về phủ thự, đưa trâu ra đánh 3 roi để tượng trưng cho sự khuyên cày.

Nghi lễ Tiến xuân và Nghênh xuân, cúng thần Câu Mang thời Nguyễn đã được phục dựng tại Hoàng thành Thăng Long và Cố đô Huế, để khôi phục phong tục truyền thống cũng như thể hiện việc khuyến khích nghề nông.

Lễ cày ruộng tịch điền thường được các vua nhà Nguyễn tiến hành vào tháng 2 (tháng Trọng xuân), bắt đầu từ đời vua Minh Mạng trở về sau. (còn tiếp)

(Trích từ sách Tết chốn vàng son do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành)

Thạnhnien.vn

Nguồn:https://thanhnien.vn/tuc-le-hay-dau-nam-nghenh-xuan-va-khuyen-khich-nghe-nong-185250203220455648.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available