Phiên giao dịch đầu tuần ngày 18.3 (giờ Việt Nam), giá dầu đi lên trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ phía Ukraina khiến công suất lọc dầu của Nga bị ảnh hưởng mạnh. Điều này tác động đến nguồn cung xăng dầu toàn cầu và thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu.
Đà tăng của giá dầu kéo dài sang phiên ngày 19.3 (giờ Việt Nam) bởi Iraq – nhà sản xuất lớn thứ hai của OPEC cho biết, sẽ giảm xuất khẩu dầu thô xuống 3,3 triệu thùng/ngày trong những tháng tới để bù đắp cho việc vượt hạn ngạch của OPEC+ kể từ tháng 1.
Dữ liệu nhu cầu dầu tích cực ở Trung Quốc và Mỹ và việc gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+ cho đến cuối tháng 6 đã hỗ trợ giá dầu lên mức cao nhất trong 5 tháng ở phiên ngày 20.3 (giờ Việt Nam).
Theo nhà phân tích Bjarne Schieldrop của SEB Research, giá dầu Brent có thể sẽ giao dịch ở mức 80 – 90 USD/thùng trong năm nay.
Quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% đến 5,5% của Fed đã đẩy giá dầu trượt dốc ở phiên giao dịch ngày 21.3 (giờ Việt Nam).
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên ngày 22.3 (giờ Việt Nam) bởi nhu cầu xăng dầu yếu hơn. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho dầu thô tại Mỹ tiếp tục giảm tuần thứ 2 liên tiếp với mức giảm 2 triệu thùng xuống 445 triệu thùng.
Tồn kho xăng giảm tuần thứ 7 liên tiếp, giảm 3,3 triệu thùng xuống 230,8 triệu thùng. Trong khi đó, sản phẩm xăng được cung cấp – đại diện cho nhu cầu sản phẩm, lại giảm xuống dưới 9 triệu thùng.
Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần ngày 23.3 (giờ Việt Nam), giá dầu giảm trong bối cảnh thị trường kỳ vọng thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza sẽ giúp thúc đẩy nguồn cung.
Như vậy, tính chung cả tuần, dầu Brent tăng 0,3%, dầu WTI giảm 0,4%.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 24.3 như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.219 đồng/lít; xăng RON 95-III không quá 24.284 đồng/lít; dầu diesel không quá 21.014 đồng/lít; dầu hỏa không quá 21.266 đồng/lít; dầu mazut không quá 17.099 đồng/kg.