Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Hùng – phó chủ tịch UBND TP Hội An – cho biết tròn 15 năm trước, tại Hàn Quốc, Tổ chức UNESCO đã công bố Cù Lao Chàm – Hội An vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đổi thay vượt bậc sau khi vào Khu dự trữ sinh quyển thế giới
Việc lọt vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã tạo ra đổi thay to lớn cho cụm đảo tiền tiêu.
Từ xã nghèo khó, môi trường bị khai thác mất kiểm soát, rác thải khắp mọi nơi và phải xin cứu trợ thì đến nay Cù Lao Chàm đã dẫn đầu trong các xã tại Quảng Nam về mức thu nhập.
Từ khi được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, loạt chương trình hành động gắn liền chính sách căn cơ dài hạn được triển khai. Tư duy, nhận thức cộng đồng đã thay đổi gần như hoàn toàn.
Cù Lao Chàm gắn liền tên tuổi với những chương trình như “Nói không với túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần”, chương trình “Xách giỏ đi chợ”, chương trình “Khai thác cua đá, tôm hùm và các nguồn lợi có kiểm soát”…
Ngay cả việc khỉ ở Cù Lao Chàm đang tràn xuống khu dân cư, thiệt hại mùa màng và nguy hiểm đến con người nhưng bà con trên đảo luôn tìm cách bảo vệ chứ không bức hại.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, những việc làm này cùng với sự thân thiện, mến khách của người dân đã tạo nên một Cù Lao Chàm đặc trưng không phải nơi nào cũng thực hiện được.
Hình mẫu về bảo tồn gắn liền nâng cao sinh kế cộng đồng
Đánh giá qua 15 năm tận dụng cơ hội khi vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển thế giới, các tổ chức cho rằng Cù Lao Chàm là hình mẫu về gắn bảo tồn với làm du lịch, nâng cao đời sống cư dân.
Hiện nay trên 80% người dân sống bằng nghề du lịch. Mỗi ngày Cù Lao Chàm thu hút bình quân 3.000 khách, du lịch đã đem lại nguồn thu thực tế và nhờ vậy người dân lại càng quyết tâm cùng nhau bảo vệ môi trường.
Nhờ giữ môi trường, người dân luôn chủ động được sinh kế khi có biến cố lớn. Như trong đại dịch COVID-19 vừa qua, du lịch đình trệ khiến khách vắng bóng nhưng người dân Cù Lao Chàm vẫn sống khỏe nhờ giữ được nguồn tôm cá ổn định quanh đảo.
Người dân Cù Lao Chàm vẫn vững chắc thế “một chân biển, một chân du lịch”.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương – chủ tịch UBND xã Tân Hiệp – cho biết hiện toàn xã có khoảng 2.000 dân. Với những gì đã cho thấy sự định hướng đúng đắn thì Cù Lao Chàm sẽ lấy bảo tồn, giữ gìn môi trường để thu hút du lịch và làm đòn bẩy nâng cao sinh kế cộng đồng.
Cù Lao Chàm sẽ hạn chế xây dựng, không bê tông hóa, giữ gìn môi trường tự nhiên để giữ giá trị riêng biệt ngày càng hấp dẫn hơn với du khách.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tu-xin-tro-cap-nguoi-dan-cu-lao-cham-da-song-khoe-nho-bao-ton-va-lam-du-lich-20240523214400253.htm