Nhiều người có thói quen xài “giờ dây thun” trong các buổi gặp mặt. Có không ít người chia sẻ cảnh cười ra nước mắt, bụng đói meo, mệt mỏi vì những đám cưới khai tiệc trễ do khách tới muộn.
Mời 19h nhưng 20h khách vẫn lác đác
Anh Nguyễn Hoàng (32 tuổi, quê Tân An, Long An) kể câu chuyện khó đỡ của dòng họ bên ngoại anh, khi đi từ dưới quê lên thành phố dự đám cưới của một người cháu.
Cháu anh đã làm đám cưới tại nhà ở quê, nhưng vẫn tổ chức thêm buổi tiệc trên thành phố để mời bạn bè, đồng nghiệp.
Vì khách không nhiều, họ hàng cũng muốn có dịp lên thành phố chơi cho biết nên đã thuê một chiếc xe 17 chỗ cho tiện.
“Bữa đó bà con cô bác tập trung ở nhà tôi lúc 15h để chuẩn bị đi. Thời gian lỡ dở nên không ai nghĩ đến việc nấu cơm chiều để ăn trước lót dạ”, anh Hoàng nói.
Thiệp mời ghi 19h, từ 18h45 cả họ đã có mặt ở nhà hàng. Cô dâu chú rể bắt đầu tiếp khách. Lúc này, một số người than đói bụng vì quá giờ cơm chiều theo thói quen ở quê. Một số người động viên “ráng chờ chút xíu, khách tới đông là đãi liền”.
“Một chút xíu” đó là hơn một tiếng đồng hồ. Anh Hoàng sốt ruột nhìn đồng hồ. 19h35, 19h45, thậm chí 20h khách chỉ mới lác đác tới, chưa đủ số lượng để bắt đầu khai tiệc.
Đi đám cưới nhớ ăn nhẹ dằn bụng
Đây là kinh nghiệm của Thu Thảo (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) khi đi dự tiệc cưới ở thành phố. Thảo chia sẻ lúc bắt đầu đi làm ở Sài Gòn, bạn bè, đồng nghiệp cưới, gửi thiệp hồng nên cô tuân thủ đúng giờ giấc được mời.
“Nhớ lần đầu tiên đi ăn cưới, tôi xin sếp về sớm một tiếng, tranh thủ chuẩn bị. Tôi tới nhà hàng đúng giờ, nhưng ngồi chờ cả buổi mới vào tiệc. Lúc đó tôi thấy bực mình, chỉ biết trách mình đã đi… đúng giờ” – cô kể.
Câu chuyện ngược đời, tự trách bản thân vì đi dự tiệc cưới đúng giờ cũng là tâm trạng của anh Lê Danh (31 tuổi).
Anh Danh nói do đặc thù nên những đám cưới mời vào buổi tối thường chịu cảnh khách đi trễ. Một trong những lý do phổ biển là nhiều người tan làm muộn.
“Nếu đám cưới mời 19h, chắc chắn đa số khách sẽ đi trễ. Vì nhiều người 17h30, 18h mới tan làm. Chạy về nhà tắm rửa, thay đồ cũng mất cả tiếng”, anh Danh đúc kết. Chưa kể, đây là giờ tan tầm ở TP.HCM, nếu không về nhà thay đồ thì tình trạng kẹt xe cũng góp phần làm khách tới trễ.
Anh nói rằng bản thân xác định dự đám cưới để giữ mối quan hệ và chúc phúc cho cô dâu chú rể nên thông cảm cho họ, chứ không phải vì đồ ăn thức uống. “Vì thế tôi thường ăn lót dạ trước khi đi dự tiệc, để nếu trễ giờ cũng chẳng bị đói bụng”, anh hài hước chia sẻ kinh nghiệm.
Người đi đúng giờ phải chờ người tới trễ!
Không chỉ khách mời mà cô dâu chú rể, hai nhà thông gia cũng sốt ruột vì khách đi trễ.
Anh Nguyễn Hoàng nói hôm đám cưới của cháu mình, đã qua giờ mời 15 phút mà khách mới lác đác đến. Cô dâu chú rể đứng đón khách mà lòng không yên. Một người bà con kiếm thiệp mời để kiểm tra xem có in nhầm giờ hay không.
Thu Thảo cho biết có lần cô đi dự tiệc cưới, trễ 30 phút mà khách vẫn chưa lấp đầy bàn. Cha mẹ hai bên hối cô dâu chú rể lên sân khấu làm lễ rồi khai tiệc vì sợ qua giờ đẹp. Thế nhưng đôi trẻ vẫn nán lại trước cửa nhà hàng để ngóng chờ, vì khách là nhóm bạn thân của cô dâu.
“Nhóm bạn dự định lên sân khấu mở màn tiết mục múa tặng cô dâu, nhưng họ lại đi trễ”, Thảo ngao ngán kể lại.
Còn theo anh Lê Danh, người đi đúng giờ phải chờ người đi trễ là vô lý. Do đó, ý thức của khách mời đóng vai trò quan trọng. Việc nhiều khách mời đến trễ giờ so với thời gian đã được thông báo khiến cho việc bắt đầu các nghi lễ và tiệc cưới bị chậm lại.
“Điều này không chỉ gây phiền toái cho cô dâu, chú rể mà còn làm ảnh hưởng đến những khách mời khác đã đến đúng giờ.
Không riêng gì tiệc cưới, mà những cuộc hẹn khác, ngay cả đi cà phê với bạn bè cũng cần phải đi đúng giờ. Vì đó là phép lịch sự, thể hiện sự tôn trọng người khác”, anh Danh nhắn nhủ.
Bạn có từng chờ đợi dài cả cổ khi đi đám cưới? Cách nào để thay đổi thói quen xài giờ dây thun trong các tiệc cưới? Xin để lại ý kiến của bạn ở phần Bình luận dưới đây, hoặc gửi qua hộp thư [email protected]. Trân trọng cảm ơn bạn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tu-trach-minh-vi-di-dam-cuoi-dung-gio-20240802134447173.htm