Năm 2000, lần đầu tiên Huế tổ chức festival. Thời điểm này thế giới không còn lạ với festival, nhưng ở Việt Nam, nó vẫn chưa phổ biến. Và với người Huế, festival vẫn còn là cái gì đó rất lạ, mơ hồ.
Chỉ hai năm sau, trên tạp chí sông Hương, một đạo diễn đã hồ hởi cập nhật: Từ nay từ điển tiếng Việt có thêm từ mới. Đó là festival.
Vui, hồ hởi là phải. Vì Huế lúc đó vừa tổ chức 2 kỳ festival quốc tế thành công. Hơn thế, còn được Trung ương xác định đầu tư để xây dựng trở thành thành phố festival đặc trưng của Việt Nam, vươn tầm quốc tế. Đi kèm với quyết định này, Bộ Nội vụ lúc đó cũng cho phép Thừa Thiên Huế lập mới một đơn vị cấp tỉnh chuyên lo tổ chức festival. So với cả nước, mô hình Festival Huế lúc này chỉ có một, là duy nhất.
*
Dưới sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ tổ chức festival của người bạn Pháp, Huế sớm qua những bước chập chững để khẳng định mình. Festival Huế đầu những năm 2010 đã thực sự bùng nổ khi đáp lại lời mời của Huế, các đại sứ quán lần lượt có thư giới thiệu các nghệ sĩ, đại sứ văn hóa của quốc gia đến biểu diễn. Trong số này có những nghệ sĩ quốc tế mà riêng tên của họ xuất hiện cũng đủ để hình thành một đại nhạc hội.
Hẳn những người yêu nhạc vẫn còn nhớ sự xuất hiện của tay guitar huyền thoại người Mexico Paco Renteria – người được đích thân Tổng thống Mexico Felipe Calderon phong là Đại sứ âm nhạc Mexico tại nước ngoài. Người này đã khiến sân khấu trong Đại Nội chao đảo với chất Mỹ Latinh rực lửa trong 2 kỳ Festival Huế liên tiếp. Chiếc đàn guitar trong tay Paco Renteria lúc đó vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ. Nó được xoay, lật và có lúc là dựng thẳng mỗi khi nghệ sĩ thu tay về chơi nhạc ở cung 12, khiến những người có mặt như nín thở.
Hoặc ở Festival Huế 2012, nữ ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ Mary Mc Bride đã làm khán giả đắm đuối khi thể hiện giọng ca ở cả ba thể loại country, Rock & Roll, Blues đậm chất Mỹ. Những ca khúc “No one’s gonna love you like me”, “That thing you do to me”, “Tricky tricky would” “When will we know” thịnh hành thập niên 1960-1970 dưới sự thể hiện của Mary Mc Bride đã sống lại, “hút hồn” những khán giả trẻ tuổi.
Cùng năm 2012, sự xuất hiện của ca sĩ người Senegal tên Naby đã làm khán đài Cung An Định bùng nổ. Hay DJ Tim Exile đã khiến toàn bộ khán giả tham gia biến đêm nhạc thành một tiệc EDM đúng nghĩa, Năm 2016, ngay trên sân Hàm Nghi chú rối Lideo của L’Homme Debout đã để lại ấn tượng lớn với màn trình diễn kết hợp ánh sáng.
Có lẽ, mà có thể là chắc chắn tôi đã để sót nhiều cái tên trong phần liệt kê. Bởi thời điểm này số lượng đoàn nghệ sĩ quốc tế tham gia Festival Huế không bao giờ dưới 2 con số. Những sân khấu nối sân khấu trong Đại Nội, Cung An Định, một số tuyến đường trong thành phố thực sự là thử thách đối với những khán giả không muốn bỏ sót bất kỳ chương trình nào, Đối với những người làm báo, việc tiếp cận, tìm hiểu thông tin về các đoàn, nghệ sĩ lúc này rất phong phú. Bởi đơn giản, họ là nghệ sĩ tầm quốc tế với ngồn ngộn thông tin ở trên mạng.
*
Sự thành công của những kỳ Festival Huế đầu thập niên 2010 đã tạo hưng phấn, dẫn đến tình trạng loạn chương trình hưởng ứng, biểu diễn ở các kỳ festival tiếp đó. Những lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống, cùng những màn diễn ít hấp dẫn cũng đã được phục hồi, đưa vào chương trình khiến Festival Huế của những năm cuối thập niên 2010 vừa nhạt, vừa ôm đồm. Tính địa phương lúc này có phần át cả tính quốc tế mà các kỳ Festival Huế trước đó đã gây dựng. Trường Cao đẳng Du lịch Huế lúc này có hẳn đề tài nghiên cứu về Festival Huế, kêu gọi cần thay đổi…
Festival Huế của những năm đầu 2020 là festival của phép thử mới khi những người lãnh đạo ở địa phương muốn nâng tầm các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo thành các chương trình của festival.
Với mong muốn thành phố luôn có không khí hội hè, Huế đã chủ động xây dựng festival 4 mùa. Điểm hay của festival 4 mùa là tránh được tình trạng bội thực văn hóa, và bất kỳ mùa nào Huế cũng có lễ hội để phục vụ khách du lịch.
Tuy nhiên, trong sự phân kỳ này, kỳ Festival Huế có tầm quốc tế đã bị lẫn trong cụm festival mùa hạ. Điều này có nghĩa, trong mắt du khách, nó được xếp tương đồng với festival mùa xuân, mùa thu, mùa đông.
*
Trở về với kỳ festival mùa hạ, mà bản chất là kỳ Festival Huế 2024 vừa bế mạc. Đây là kỳ Festival Huế có thời gian chuẩn bị cho lễ khai mạc ít nhất trong các kỳ được tổ chức.
Theo thành viên Ban tổ chức, ngày 23/5, Thừa Thiên Huế đấu thầu tìm kịch bản, đơn vị tổ chức, thì đến ngày 7/6, Festival Huế được bấm nút khai mạc, Với khoảng thời gian chuẩn bị quá ngắn, lễ khai mạc đã để xảy ra những điều không mong muốn. Đơn cử như chương trình khai mạc nặng về tính truyền thống. Sự kết nối giữa chủ đề truyền thống, hòa nhập chưa liền mạch. Sự xuất hiện của hai tiết mục hip hop liền nhau cùng tiết mục rap chiếm gần 40 % thời lượng trên sân khấu khai mạc Festival Huế cũng đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi liệu có phù hợp với một festival văn hóa có tính chất nghiêm túc?
Trên một số diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng sân khấu Lầu Kiến Trung đã cứu chương trình khai mạc, bế mạc. Tuy nhiên, với nhiều người khác thì không hẳn. Lầu Kiến Trung không phải là công trình đẹp về đường nét kiến trúc. Nó hấp dẫn người xem bằng những họa tiết, modul trang trí được đắp nổi bằng sành sứ. Chọn Lầu Kiến Trung làm sân khấu, nếu để giới thiệu một công trình vừa phục dựng thì không sao. Nhưng nếu để phô diễn vẻ đẹp thì chưa hẳn, vì ánh sáng sân khấu đã lấn át, che mờ điểm hấp dẫn nhất của công trình này.
Một điểm nữa cần nhắc đến là so các kỳ Festival Huế thì lần này có ít đoàn quốc tế tham dự nhất. Hơn nữa, một phần trong số này là các đoàn được chọn ở những tỉnh, thành phố có quan hệ kết nghĩa với thành phố Huế. Điều đó cho thấy, Festival Huế 2024 dù bảo đảm tính quốc tế, nhưng tầm và chất lượng có đạt đến đó hay không là điều cần tiếp tục suy nghĩ.
Kết thúc một kỳ festival, cũng là lúc nhìn lại, chuẩn bị cho bước đi xa hơn.
Nguồn: https://nhandan.vn/tu-nhung-ky-festival-hue-da-qua-post814199.html