Tết này đặc biệt với chàng trai H’Mong Vừ A Du (17 tuổi, quê Yên Bái) khi chỉ còn vài tháng nữa nam sinh sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Đây là sự kiện quan trọng và ý nghĩa để A Du đánh dấu chặng đường 7 năm được các mạnh thường quân trao học bổng đi học.
“Bản thân em tự đánh giá mình tiến bộ rất nhiều, nhất là trong năm lớp 11, giống như một đồ thị lên tới đỉnh. Tất cả nhờ vào điều kiện mà nhà trường, giáo viên đã trao cho em”, Vừ A Du nói.
7 năm trước, A Du rời gia đình ở thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái để một mình vào TPHCM học tập tại Trường Tiểu học-THCS-THPT Nam Việt theo diện học bổng của Quỹ học bổng Vừ A Dính.
A Du nhớ khi học lớp 5, sau một buổi đi thả trâu về, cậu nhận thông tin được trao tặng học bổng và sẽ đi xa nhà để học tập. Lúc này, cậu bé không suy nghĩ nhiều mà chuẩn bị tinh thần cho một hành trình mới.
Thế nhưng, ngay buổi đầu vào nơi đất khách quê người, chàng trai dân tộc H’Mông đã muốn về nhà.
“Ngày đầu tiên vào trường, em muốn về ngay vì môi trường lạ lẫm, không có một người quen nào ở bên. Em nhút nhát, ít nói. Thậm chí khó hiểu hết mọi người đang nói gì, nhiều từ em phải chú ý nghe và hỏi lại 2-3 lần”, Du nhớ lại.
Cậu bé lớp 5 khi ấy còn phải làm quen với việc thay đổi khẩu vị vì… không quen ăn thịt. Và thế là, những bài học đầu tiên của cậu là làm quen với những bữa cơm dinh dưỡng hơn.
Lần đầu tiên rời xa thôn làng vùng sâu, rời xa vòng tay cha mẹ đến với một thành phố sầm uất, cậu bé 10 tuổi khi ấy cứ tự động viên mình rằng, hãy cố gắng lên vì thời gian sẽ trôi qua rất nhanh, nhưng cảm giác nhớ nhà luôn bủa vây khiến em khóc rất nhiều.
Nhận thấy Du còn lo lắng, các thầy cô đã động viên, an ủi em mỗi ngày. Bạn bè trong khu nội trú cũng bắt chuyện, tâm sự với em một cách tự nhiên.
“Em nhận thấy rằng, mọi người không ai phân biệt rằng mình là người dân tộc thiểu số hay nghèo nàn. Chính nhờ những tình cảm này của thầy cô, bạn bè mà em đã vượt qua được khoảng thời gian ấy, để cố gắng học tập và rèn luyện cho thật tốt”, Vừ A Du nói.
Cứ như vậy, ngày ngày, Vừ A Du đều chăm chỉ, cố gắng học tập. Em dành toàn bộ thời gian của mình cho việc học tập. A Du nói rằng, may mắn lớn nhất trong cuộc đời em là được nhận học bổng, bước vào một môi trường học tập hoàn toàn mới, khác xa hoàn toàn với những thứ mà em đang có.
Sau 6 năm học, Vừ A Du ngày nay đã là một chàng trai hoàn toàn khác: lớp phó học tập năng nổ, top 3 học sinh xuất sắc nhất lớp, tự tin, đa tài, nhiệt tình trong mọi hoạt động. Chia sẻ về tương lai, Vừ A Du cho biết, em rất thích công nghệ thông tin và dự định sẽ thi đại học ngành này.
Từ Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh…, nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi khó khăn, con của bà con ngư dân, chiến sĩ hải đảo đã đến TPHCM trải nghiệm môi trường học tập hiện đại qua chương trình học bổng.
Đó là cả một hành trình để thay đổi bản thân, học tập kiến thức và thực hiện ước mơ được bồi đắp bởi những tấm lòng hảo tâm.
Lật giở những bức ảnh kỷ niệm với từng lớp học sinh, bà Phan Thị Ánh Hoàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS-THPT Nam Việt, rưng rưng nhớ về những ngày đầu đón các em vào học.
Bà cho biết nhà trường rất quan tâm, chăm lo cho các học sinh dân tộc khó khăn, biển đảo, đặc biệt là các em có cha mẹ làm nhiệm vụ tổ quốc tại hải đảo, biển khơi. Mỗi năm, nhà trường sẽ nhận nuôi và dạy hoàn toàn miễn phí 15 học sinh trong 7 năm (từ năm lớp 6 đến lớp 12). Đến nay, đã có 103 học sinh của Quỹ học bổng Vừ A Dính học tập tại đây.
Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp thêm động lực thông qua những quỹ học bổng. Tết này, Ngô Thị Ngọc Ánh (TPHCM) đã trở thành tân cử nhân ngành bác sĩ y học cổ truyền sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TPHCM.
Niềm vui đến với Ánh những năm qua không chỉ là được nhận Học bổng 1&1 của Hội Khuyến học TPHCM mà quan trọng hơn là có thêm một người mẹ đặc biệt.
“Má Ngọc” – tiếng gọi kính trọng, yêu thương mà Ngô Thị Ngọc Ánh dành tặng cho người mẹ dù không sinh ra mình nhưng đem đến cho cô một tương lai đặc biệt.
Bồi hồi nhớ lại 6 năm trước khi nhận tin trúng tuyển vào ngôi trường đại học yêu thích, ngoài cảm xúc dâng trào hạnh phúc, Ánh canh cánh nỗi lo lắng cho chặng hành trình phía trước vì chính hoàn cảnh khó khăn của mình.
May mắn thay, Ngọc Ánh được tiếp thêm động lực khi nhận Học bổng 1&1 năm đó. Người ân nhân đầu tiên của nữ sinh viên chính là bà Nguyễn Thị Thu – cố Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM. Sau khi bà Thu qua đời vì bạo bệnh, Ngọc Ánh được “má Ngọc” hỗ trợ một phần kinh phí để có thể tiếp tục hành trình khoác áo blouse trắng 4 năm còn lại.
Ấn tượng về má Ngọc, Ánh kể dù có rất nhiều “đứa con” nhưng má luôn nhớ điểm mạnh, điểm hạn chế của từng đứa để động viên, nhắc nhở. Dù bận rộn, ít có thời gian gặp trực tiếp nhưng má thường nhắn tin hỏi han, chia sẻ và tiếp thêm năng lượng cho các con.
Trong 6 năm đó, không phụ lòng các ân nhân, cô chú trong Hội Khuyến học, Ngọc Ánh nỗ lực trau dồi kiến thức và rèn luyện bản thân ở mọi mặt. Ngoài việc học tập tốt, cô nữ sinh còn trở thành một cán bộ Đoàn – Hội chủ chốt, sinh viên tiêu biểu có thành tích học tập tốt.
“Em vô cùng biết ơn học bổng đã cho con một gia đình thứ hai của mình vì ở đây có má, có các cô chú thân yêu và những người bạn quý mến như người anh chị, người em trong gia đình”, Ngọc Ánh bày tỏ.
Đối với những người cho đi, bản thân họ cũng cho biết nhận được thêm nhiều điều quý giá. Ông Phạm Minh Hiền, ân nhân trao Học bổng 1&1, nguyên là cán bộ Quân đội về hưu, cho hay mặc dù đã 88 tuổi, tuy có khó khăn nhưng ông vẫn thấy được trách nhiệm của mình.
Ông đã trực tiếp tham gia đóng góp 6 suất học bổng và vận động thêm 2 người bạn cùng tham gia. Cho đến nay, 6 “hạt giống” đều phát triển tốt đẹp. Trong đó, 1 bạn đã trở thành bác sĩ, 1 bạn là chuyên viên kinh tế, 2 sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học, 2 tân sinh viên vừa vào học.
Theo ông Phạm Minh Hiền, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, mỗi tấm lòng có những đóng góp khác nhau, có người đóng góp và vận động người thân đóng góp hàng trăm suất, có người đóng góp một vài suất, hoặc chỉ vận động bạn bè tham gia vì bản thân mình còn nhiều khó khăn. Tất cả đều là những tấm lòng rất đáng trân trọng!
Nội dung: Huyên Nguyễn
Thiết kế: Patrick