Xây “nhà” cho trẻ khó khăn
Lê Huỳnh Đức, 26 tuổi, mới đây được chọn là một trong 17 đại biểu thanh niên của Việt Nam tham dự chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP) 2024, một hoạt động danh giá nhằm lan tỏa hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Trước đó, anh được T.Ư Đoàn chọn làm trưởng đoàn đến Nhật dự chương trình JENESYS và được Phó thủ tướng Campuchia Hun Many mời dự lễ hội Angkor Songkran ở nước này.
“Xuất phát điểm của tôi là ở dưới bùn, chỉ có đúng một con đường để đi là ngoi lên mặt nước và không ngừng tiến về phía trước. Nhưng tôi không đơn độc trên con đường này vì có mẹ nuôi ở SOS luôn ủng hộ. Họ tên tôi cũng do mẹ đặt, với ‘Lê’ là họ của mẹ còn ‘Huỳnh Đức’ là tên của một cựu cầu thủ nổi tiếng”, chàng trai xứ Nghệ lớn lên tại Làng trẻ SOS Vinh (TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) tự hào.
Lấy nghịch cảnh làm động lực phấn đấu, Đức liên tục chinh phục nhiều thành tích. Anh từng 10 lần nhận học bổng Odon Vallet từ phổ thông đến ĐH, được trao học bổng “Thắp sáng ước mơ”, học bổng khuyến học của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Ngoài ra, anh còn được Thành đoàn TP.Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế trao bằng khen nhờ thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và học tập.
Đam mê ngoại ngữ, Đức còn nhiều lần tham gia công tác dịch thuật tại các sự kiện quốc tế tổ chức ở Đà Nẵng thời còn sinh viên, như lễ hội pháo hoa quốc tế, chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ, Hội nghị Bộ trưởng về hợp tác lao động trong một số quốc gia Đông Nam Á. Ngoài ra, chàng trai 9X còn là nhà hoạt động tích cực về quyền trẻ em và thanh niên rời chương trình chăm sóc (care leavers).
“Care leavers dùng để chỉ các bạn trẻ rời khỏi các cơ sở chăm sóc xã hội để tái hòa nhập cộng đồng, không còn nhận được sự hỗ trợ như trước. Nhiều bạn trong số đó, bao gồm cả tôi, phải trải qua không ít thách thức như khó khăn tài chính, kỳ thị xã hội. Chính vì thế, tôi đang xây dựng và điều phối một cộng đồng đào tạo, hướng nghiệp giúp trang bị thêm kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ… cho các bạn để gia tăng cơ hội”, Đức kể.
Một vấn đề khác, theo Đức, là phần lớn các bạn sau khi trưởng thành và rời đi lại không quay về nơi nuôi dưỡng. Đây là thiệt thòi lớn với những đứa trẻ không có gia đình thật sự. “Qua cộng đồng, chúng tôi mong tạo ra sự kết nối, giúp các bạn trở thành thành viên của một ‘gia đình’ rộng lớn hơn, nhận được sự quan tâm cả về mặt vật chất lẫn tinh thần bằng nhiều phương thức. Không thể để các bạn mồ côi lần 2”, Đức nhận định.
Ngoài các dự án nêu trên, Đức còn được đề cử vào Ban tư vấn về quyền trẻ em và thanh niên tại Ngày thảo luận chung của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ 2020. Trong suốt hành trình đó, anh đã hợp tác với nhiều thanh thiếu niên từ khắp nơi trên thế giới để xây dựng phương hướng bảo vệ quyền trẻ em và trình lên UNICEF. Anh cũng là một trong 2 đại diện từ Việt Nam tham dự Hội nghị thanh niên rời chương trình chăm sóc quốc tế 2021.
Học để hiểu, để dùng, để khám phá
Song song với các hoạt động xã hội, Đức hiện cũng đang điều hành một trung tâm luyện thi IELTS ở TP.Đà Nẵng kiêm dạy tiếng Anh, chính thức hiện thực hóa ước mơ tuổi thơ. “Ngày xưa, tôi may mắn được một số nơi cho đi học thêm tiếng Anh miễn phí. Và ngay từ lúc đó, tôi tin rằng giáo dục chính là con đường duy nhất có thể thay đổi cuộc đời tôi theo cách tích cực nhất”, nam giáo viên kể.
Dù muốn làm giáo dục, Đức lại chọn học ngành kinh doanh quốc tế vì yêu thích sự năng động và “va chạm” của lĩnh vực này. Tại đây, anh hiểu thêm về cách quản trị, vận hành doanh nghiệp, tạo bước đệm để khởi nghiệp giáo dục từ đầu năm 2023. Trước đó 3 năm, anh cũng đi dạy ở các trung tâm để tích lũy kinh nghiệm, đồng thời học thêm các khóa đào tạo giáo viên do cơ quan chính phủ Việt Nam, Mỹ và New Zealand đài thọ.
Ở trung tâm của mình, Đức kể anh đang áp dụng triết lý “học để hiểu, để dùng, để khám phá”, cũng chính là cách anh học và dùng tiếng Anh trong đời sống thường ngày. Thực hiện phương pháp này, anh luôn tạo các hoạt động học tập khác nhau, như mở diễn đàn tranh luận, thuyết trình, hoặc tổ chức các workshop, ngoại khóa với khách mời là chuyên gia nước ngoài, chứ không chỉ gói gọn trong việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng thi cử.
Đồng hành cùng Huỳnh Đức ở một số dự án gần một năm qua, chị Bùi Thị Giang, điều phối viên quốc gia các chương trình thanh niên tại Văn phòng điều phối Làng trẻ em SOS Việt Nam, nhận xét chàng trai 9X phù hợp với ba từ: trách nhiệm, kỷ luật và đáng yêu. “Dù bận rộn với việc riêng nhưng bạn đã cùng mình xây dựng tài liệu tập huấn, kế hoạch và tham gia giảng dạy hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện”, chị Giang kể.
“Trong thời gian giảng dạy tại các làng trẻ em, Đức cực kỳ cẩn thận, bài giảng chỉn chu và sắp xếp thời gian linh hoạt để hỗ trợ học sinh từ xa. Bạn am hiểu nhưng khiêm tốn, cũng không bị ‘già’ hơn với tuổi mà toát ra năng lượng rất gần gũi, rất tích cực, có lẽ do làm việc với nhiều trẻ em và thanh niên. Các mẹ và dì của SOS cũng đều yêu thích phần chia sẻ và giảng dạy của Đức”, chị Giang nói thêm.
Hiện tại, Đức đang hoàn thành chứng chỉ cần thiết để theo học thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh ở nước ngoài, cũng như tìm thêm cơ hội học bổng giá trị hơn vì chỉ mới nhận học bổng một phần hoặc bán phần từ các trường ĐH hàng đầu thế giới. “Sau những gì đã trải qua, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi cả cuộc đời mình nếu biết nỗ lực và không ngừng phấn đấu. Hoàn cảnh xuất thân dù quan trọng nhưng chỉ là yếu tố thứ yếu”, nam giáo viên chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tu-cau-be-mo-coi-den-nguoi-thay-quyet-khong-de-ban-tre-mo-coi-lan-2-185240910163332122.htm