Hoàng thành Thăng Long (quận Ba Ðình, Hà Nội) là một Di sản văn hóa thế giới. Song ở đó không chỉ có dấu tích của những cung điện, lầu gác, Hoàng thành Thăng Long còn là nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và một số cơ quan của Bộ Quốc phòng từng làm việc trong thời kỳ kháng chiến. Có những căn hầm bí mật gần đây đã được mở cửa để công chúng khám phá.
Giới thiệu cho khách tham quan về căn hầm T1. |
Năm 2004, khi Hoàng thành Thăng Long mở cửa đón khách tham quan thì một di tích đặc biệt cũng được giới thiệu với mọi người, đó là di tích Nhà và hầm D67. Tòa nhà được xây dựng vào năm 1967 trên diện tích hơn 600m2 với tên gọi đầy đủ là Nhà hầm Quân ủy Trung ương. Tòa nhà có quy mô khiêm tốn, nhưng tường, mái đều làm bằng bê-tông cốt thép nguyên khối. Trong khu nhà D67 có phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.
Ðây là nơi các đồng chí: Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Ðại tướng Văn Tiến Dũng… đã làm việc để lãnh đạo và chỉ đạo quân và dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Từ nhà D67 có hai cầu thang, mỗi bên 45 bậc, đường hầm rộng khoảng 1,2m dẫn xuống hầm D67 (còn gọi là hầm Quân ủy Trung ương).
Căn hầm nằm sâu chục mét dưới lòng đất, được thiết kế kiên cố với nhiều lớp cửa ngăn được nước, chống bom hạng nặng, và có phòng riêng chứa các thiết bị thông hơi, lọc độc, cung cấp không khí sạch để có thể ứng phó những cuộc tấn công hóa học, sinh học. Phía trong hầm có phòng họp lớn rộng hơn 35m2 và phòng trực ban có diện tích khoảng 13m2. Từ tháng 9/1968 đến ngày 30/4/1975, Nhà và hầm D67 đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam để đề ra các chủ trương, kế hoạch chiến lược và phát đi mệnh lệnh chiến đấu.
Chỉ cách Nhà và hầm D67 một quãng, nằm chếch bên phía tây nam của điện Kính Thiên là hầm T1. Hầm được xây dựng năm 1964. Lúc này, Mỹ đánh phá ra miền bắc. Ðể nắm được tình hình cả nước, toàn bộ chiến trường Ðông Dương và chỉ huy thông suốt các chiến trường, Bộ Quốc phòng đã cho xây dựng một công trình an toàn tuyệt đối, phòng chống được các loại bom đạn thời kỳ đó. Theo thiết kế, hầm T1 được thi công nguyên khối có một phần chìm, một phần nổi.
Thiết bị bảo đảm an toàn gồm có cửa nặng phòng chống áp lực, cửa nhẹ kín phòng độc và phóng xạ… Hầm cũng có hệ thống thông hơi, lọc độc. Căn hầm được thiết kế rất đặc biệt, nếu bom đạn rơi trực tiếp thì phải qua lớp tăng cường, lớp giãn lực, lớp đệm cát rồi mới tới trần công sự. Do đó, căn hầm gần như an toàn tuyệt đối với các loại bom đạn thông thường thời đó.
Dù không được sử dụng trong thời gian dài, nhưng hai căn hầm vẫn lưu giữ nhiều hiện vật quý liên quan đến hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước; các cán bộ, chiến sĩ tại Cục Tác chiến. Trong đó, căn hầm T1 hiện vẫn còn lưu giữ dấu tích về một chiếc điện thoại vô cùng đặc biệt, được đặt tên là “máy số 1”. Chiếc điện thoại này được nối trực tiếp với điện thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại nhà sàn của Phủ Chủ tịch để Người có thể gọi và hỏi trực tiếp về tình hình chiến sự hoặc động viên anh em cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực chiến tại đây.
Nằm trong Khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, hai căn hầm D67 và T1 “kể” những câu chuyện thời đại Hồ Chí Minh, những câu chuyện về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ðây chính là những điểm nhấn độc đáo trong hành trình tham quan Hoàng thành Thăng Long.
Nguồn: https://nhandan.vn/nhung-can-ham-dac-biet-trong-hoang-thanh-thang-long-post808639.html