Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Truyền thông giáo dục: Xây dựng nội lực, kiến tạo diện mạo

GD&TĐ - Công tác truyền thông tại các trường đại học ngày càng được chú trọng, với nhiều định hướng mới mẻ và sáng tạo.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại03/07/2025

Bên cạnh xây dựng nội lực vững chắc từ truyền thông nội bộ, các trường còn mạnh dạn đầu tư “ngoại hình” bằng phim trường hiện đại và đa dạng hóa kênh tiếp cận, đặc biệt là thế hệ Z.

Xây dựng nền tảng truyền thông vững chắc

Hoạt động truyền thông tại các trường đại học đóng vai trò then chốt trong việc định hình hình ảnh, thu hút sinh viên và truyền tải các giá trị cốt lõi. Tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Truyền thông nhà trường chia sẻ, đơn vị đã nỗ lực và định hướng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông của nhà trường.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của đơn vị là xây dựng và củng cố truyền thông nội bộ. ThS Ngọc cho biết, ban đã nỗ lực hình thành mạng lưới cộng tác viên với sự tham gia của cán bộ hỗ trợ truyền thông từ các đơn vị như khoa, bộ môn, phòng, và trung tâm. Để nâng cao năng lực đội ngũ này, Ban Truyền thông đã tổ chức các khóa bồi dưỡng, cung cấp kiến thức chuyên môn về cách viết tin, chụp ảnh và soạn thảo thông tin đăng tải trên nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh truyền thông nội bộ, Ban Truyền thông tập trung xây dựng bộ quy định đăng tải thông tin trên các trang web chính thức của nhà trường và các đơn vị. Tất cả trang thông tin do các đơn vị vận hành đều nhận được sự hỗ trợ quản lý từ Ban Truyền thông.

Đối với trang thông tin chính thức cấp trường, Ban Truyền thông chịu trách nhiệm quản lý và vận hành. Điều này nhằm đảm bảo tính nhất quán và chính xác của thông tin được công bố. Với trang mạng xã hội của nhà trường, đơn vị sẽ lên kế hoạch chi tiết về lịch đăng tải thông tin theo từng ngày và tuần, đảm bảo nội dung luôn cập nhật và phù hợp.

Cũng theo ThS Ngọc, Ban Truyền thông đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức và biên tập tin bài về các sự kiện cấp trường, cũng như các thông tin phù hợp với chiến lược truyền thông của nhà trường, nhằm đăng tải trên các kênh chính thức.

Về quan hệ với cơ quan báo chí, bà Ngọc cho biết, bộ phận Truyền thông của nhà trường đóng vai trò cầu nối giữa hai bên. Với những thông tin của nhà trường gửi đến phương tiện truyền thông đại chúng, Ban Truyền thông sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý thông tin, biên tập, xin ý kiến với lãnh đạo nhà trường và gửi đi sản phẩm hoàn chỉnh nhất.

Đồng thời, Ban Truyền thông chịu trách nhiệm liên hệ trực tiếp với đơn vị liên quan, từ đó lên kế hoạch chi tiết về kịch bản, nhân vật phỏng vấn… khi các cơ quan báo, đài thực hiện bản tin, phóng sự, phim tài liệu về trường.

truyen-thong-giao-duc.png
Giao diện Fanpage UTE TV - Kênh truyền hình Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có trên 83 nghìn người theo dõi với thông tin, hình ảnh được cập nhật hằng ngày. Ảnh: UTE TV

Mở phim trường

Không chỉ dừng lại ở truyền thông nội bộ, nhiều trường đã bước vào cuộc đua đầu tư bài bản cho hạ tầng kỹ thuật truyền thông, đặc biệt các phim trường hiện đại và ê-kíp bài bản. Hơn 3 năm trước, Trường Đại học Tài chính - Marketing đưa vào sử dụng Trường quay S2 tại trụ sở chính ở TPHCM với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng.

Trường quay có đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại cùng công nghệ cách âm tiên tiến. Không chỉ là trung tâm sản xuất nội dung truyền thông cho nhà trường, trường quay còn là môi trường thực hành cho sinh viên.

Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Studio UTE-TV và Kênh UTE-TV được thành lập từ tháng 7/2017 với mục tiêu chính nâng cao hiệu quả công tác truyền thông và tuyển sinh của nhà trường. Với diện tích khoảng 100 m2 và kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 2 tỷ đồng, trường quay liên tục được nâng cấp với thiết bị hiện đại.

“Chúng tôi liên tục đầu tư vào hệ thống livestream, thiết bị ghi hình và thu âm nhằm tạo ra các sản phẩm nghe nhìn chất lượng cao, phục vụ cả công tác giảng dạy và truyền thông hình ảnh của nhà trường”, ThS Lê Việt Tiên - Phó Trưởng phòng Truyền thông nhà trường chia sẻ.

Hệ thống thiết bị và studio đa năng được sử dụng cho nhiều hoạt động quan trọng như: Tư vấn tuyển sinh trực tuyến; thu hình bài giảng cho giảng viên; dạy học trực tuyến; tổ chức các buổi truyền hình trực tiếp, tọa đàm với doanh nghiệp hoặc người nổi tiếng.

Một trong những hoạt động nổi bật của UTE-TV là việc sản xuất các sản phẩm nghe nhìn mang tính giáo dục và giải trí. Kênh thường xuyên thực hiện Bản tin trường hằng quý và tổ chức truyền hình trực tiếp các sự kiện lớn nhỏ của trường, như lễ khai giảng, tốt nghiệp, các hoạt động văn hóa nghệ thuật…

Ngoài các nhân sự biên chế, Phòng Truyền thông của nhà trường hiện có đội ngũ cộng tác viên lên đến hơn 100 sinh viên, làm việc ở mảng như quay phim, chụp ảnh, viết tin, đăng bài mạng xã hội, sáng tạo nội dung, dựng video, diễn viên, trình chiếu, chỉnh âm thanh, dẫn chương trình, thiết kế…

Các cơ sở giáo dục đại học đang cho thấy sự thích ứng mạnh mẽ với kỷ nguyên số, khi hầu hết trường đã tích cực ứng dụng công nghệ để đa dạng hóa hoạt động truyền thông. Đây là thông tin nổi bật được đưa ra trong báo cáo năm 2023 về truyền thông của khối cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm, do Văn phòng Bộ GD&ĐT công bố.

Báo cáo chỉ rõ, các trường đã nhanh chóng nắm bắt và theo kịp xu hướng công nghệ số, đưa ứng dụng này vào phục vụ các hoạt động truyền thông hiệu quả. Điều này không chỉ giúp thông tin được lan tỏa rộng rãi hơn, mà còn tạo ra những phương thức tiếp cận hiện đại và hấp dẫn với công chúng.

Các phương thức truyền thông phổ biến được các trường áp dụng bao gồm: Phối hợp truyền thông với các đối tác, tổ chức sự kiện, chủ động xây dựng chiến dịch truyền thông và tập trung xây dựng hình ảnh thương hiệu.

Nâng giá trị, tiếp cận giới trẻ

Dù các kênh truyền thông ngày nay đa dạng từ mạng xã hội sôi động đến những sự kiện trực tiếp, “giá trị thật” vẫn là yếu tố then chốt, định hình hiệu quả và tính bền vững của mọi chiến lược đại học. PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, chất lượng giáo dục và uy tín của nhà trường chính là cốt lõi để thu hút và mang đến niềm tin với phụ huynh, người học và xã hội.

Sự thành công trong truyền thông ở trường đại học không chỉ nằm ở việc ứng dụng công nghệ, mà còn ở khả năng truyền tải những giá trị thật của mỗi cơ sở giáo dục. Chính những giá trị ấy mới là nền tảng vững chắc, giúp các trường xây dựng hình ảnh và kết nối bền vững với công chúng trong kỷ nguyên số.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cũng cho rằng, giá trị thật là yếu tố chiến lược để tiếp cận với xã hội, đặc biệt với thế hệ Gen Z - nhóm đối tượng truyền thông chính của các trường hiện nay.

“Mỗi nội dung truyền thông cần gắn với ít nhất một trụ cột thương hiệu như chất lượng đào tạo, sáng tạo sinh viên, nghiên cứu ứng dụng, kết nối doanh nghiệp hoặc trách nhiệm cộng đồng”, ThS Phạm Thái Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn ví dụ, mỗi năm học, nhà trường thường phát động các chiến dịch với chủ đề định hướng riêng, đơn cử như “Đại học xanh - đổi mới vì phát triển bền vững” hay “Sinh viên khởi nghiệp - không chỉ là giấc mơ”.

Nhờ đó, nội dung không rời rạc mà trở thành một câu chuyện dài, có tính liên kết và truyền cảm hứng. Cách tiếp cận này giúp nhà trường không chỉ quảng bá thương hiệu, mà còn tạo sự khác biệt, xây dựng hình ảnh nhất quán và gần gũi với công chúng, đặc biệt các bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z.

Khi bàn về việc tiếp cận thế hệ Gen Z trên các nền tảng số, ThS Phạm Thái Sơn đặc biệt nhấn mạnh truyền thông đại học thời nay cần phải “chạm” đến trái tim người xem thay vì chỉ cung cấp thông tin.

“Không phải nói thật to, mà là nói đúng điều Gen Z quan tâm, theo cách Gen Z yêu thích. Nhà trường không thể chờ sinh viên tìm đến mà phải chủ động xuất hiện trên đúng kênh, với đúng nội dung và đúng ngôn ngữ”, ông chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ mới vào truyền thông cũng là yếu tố then chốt. Các nền tảng như TikTok, YouTube Shorts và Facebook Reels trở thành “mặt trận” chiến lược để nhà trường xây dựng thương hiệu và kết nối với thế hệ trẻ.

Báo cáo về công tác truyền thông trong giáo dục của Văn phòng Bộ GD&ĐT (năm 2023) cho thấy, các trường đại học sử dụng nhiều kênh khác nhau, từ báo chí, mạng xã hội (đặc biệt Facebook), truyền hình, phát thanh cho đến email, sự kiện trực tiếp, chat, điện thoại và tận dụng cả mạng lưới tổ chức, cá nhân.

Trong số 271 trường đại học, cao đẳng được khảo sát, khoảng 96% số trường đang vận hành cổng thông tin điện tử riêng và hơn 94% sở hữu fanpage chính thức trên Facebook.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/truyen-thong-giao-duc-xay-dung-noi-luc-kien-tao-dien-mao-post738064.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm