Đó là quán mì của gia đình cụ Quách Úy (81 tuổi), thường được khách gọi thân thương là chú Sườn. Quán không tên, nằm trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Phú Nhuận) chan chứa tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân TP.HCM.
3 đời tâm huyết
Chiều tối, tôi tìm ghé quán mì của chú Sườn, đều đặn từng lượt khách đến rồi đi. Quán mì nằm bình yên một góc đường Lê Văn Sỹ, hướng mặt ra con hẻm 137. Chú Sườn, tóc bạc trắng, mắt yếu, chân đi từng bước lụi cụi vì tuổi già, vẫn đang miệt mài bên xe mì cũ làm những phần ăn tâm huyết cho khách.
Cụ ông nói rằng, công việc này đã gắn bó với ông suốt cả cuộc đời, nên đã quá quen thuộc. Trầm ngâm, ông kể quán mì này được cha mẹ ông mở từ trước 1975. Ông bà cụ là người Hoa gốc Quảng Đông, đến Sài Gòn lập nghiệp rồi mở quán ăn bán món mì truyền thống của gia đình.
“Hồi đó, khu này người Hoa nhiều, nếu không buôn bán thì trồng cải, trồng rau. Lúc tôi còn nhỏ, ở đây là một khu đất hoang vu, ít nhà cửa chứ không nhộn nhịp như bây giờ đây. Nhờ có quán mì, cha mẹ tôi mới có tiền sống, có tiền nuôi con”, cụ ông U.90 nhớ lại tuổi thơ mình.
Sau này, cha của ông mất, để lại một mình mẹ ông kế thừa quán mì. Sau 1975, ngoài 30 tuổi, chú Sườn mới cùng mẹ bán quán. Sau này, có vợ, vợ chồng chú cũng tiếp tục duy trì quán ăn do cha mẹ mở. Cụ ông cười tươi, nói rằng cả cuộc đời mình chỉ biết làm nghề này, bởi nếu không bán mì, ông cũng không biết phải làm gì.
[CLIP]: Quán mì TP.HCM không tên nửa thế kỷ: Truyền 3 đời, cụ ông U.90 ngày ngày đứng bán.
Vợ chồng chú Sườn không có con, năm 2003, vợ mất, chú cứ vậy bán mì mưu sinh. Nay, ở độ tuổi này, chú để lại quán mì cho các cháu, là con của các anh chị em bên vợ buôn bán. Dẫu vậy, hằng ngày chú Sườn vẫn ra quán để đỡ nhớ quán, nhớ khách, có sức khỏe thì làm, những ngày mệt thì nhìn các cháu trong nhà tiếp quản cơ ngơi của mình.
Quán ăn đặc trưng với các món hủ tiếu, mì người Hoa, với mỗi phần ăn dao động từ 45.000 – 60.000 đồng tùy nhu cầu của khách. Nhìn dòng khách liên tục ra vào, tôi hỏi thầm vào tai cụ ông: “Sao quán mình níu chân được khách mấy chục năm qua vậy ông? Ông có bí quyết nào không?”.
Nghe vậy, chú Sườn cười tít mắt, rồi nói từ xưa đến nay, mình chỉ làm theo công thức được cha mẹ truyền lại, sau này lại tiếp tục truyền lại cho các cháu. Có lẽ do cách nấu nướng, nêm nếm phù hợp với đa số thực khách, nên quán vẫn còn được khách thương mến ủng hộ tới nay, qua bao thăng trầm, biến thiên của thành phố.
Một trời tuổi thơ
Bụng đang đói, tôi gọi một phần mì với giá 50.000 đồng. Sợi mì truyền thống được chú Sườn trụng vào nước sôi “chuẩn chỉn”, cho ra sợi mì vàng óng bắt mắt. Tô mì đơn giản với một ít thịt bằm, thịt xắt, tóp mỡ, hẹ, rau cải… được tưới lên nước lèo đậm đà, ăn “bắt miệng” vô cùng.
Với cá nhân tôi, chấm 8.5/10 cho hương vị tô mì người Hoa này. Chắc chắn, mỗi khi có dịp đi ngang qua, tôi sẽ ghé ủng hộ, bởi quán bán từ 6 giờ sáng tới 21 giờ mỗi ngày.
Trong những khách tới ăn, có anh Lê Hữu Hoàng (36 tuổi, ngụ Q.3) và con trai. Anh tâm sự rằng từ nhỏ, anh đã được cha dẫn tới quán này ăn, mỗi khi ông có việc đi qua Q.Phú Nhuận. Hương vị mì ở đây đã trở thành hương vị tuổi thơ của anh.
“Hồi đó, vẫn xe mì này, tôi thấy ông bán. Lớn lên, có vợ có con, vẫn thấy xe mì này và ông. Mì ở đây ngon, không chỉ là vì quán nấu ngon, mà còn là một phần ký ức tuổi thơ mình với cha. Giờ tôi dẫn con trai mình tới, thường một tháng cũng phải ghé vài lần”, vị khách tâm sự.
Trong khi đó, bà Nhung (53 tuổi) cho biết bà ăn ở quán này lâu tới mức không nhớ khi nào, chỉ biết suốt bao năm qua, quán ăn vẫn giữ nguyên địa chỉ này, không đổi. Bà thường hay mua về nhiều phần để cùng ăn với cả gia đình, khi mọi người không sắp xếp được thời gian cùng ghé quán.
Về phần mình, chú Sườn tâm sự rằng ông sẽ bán mì tới khi nào không còn sức. Ở tuổi này, ông không còn mong gì hơn, bởi quán mì của cha mẹ đã có các cháu kế thừa. Ông vui và hạnh phúc khi ngày ngày còn đứng quán, còn được trò chuyện với những thực khách ghé ủng hộ.