Có dịp về thăm Trường Phổ thông DTNT THPT&THCS huyện Kim Bôi, chúng tôi được thầy giáo Nguyễn Trọng Hưng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ về nhiều cách tuyên truyền sáng tạo trong phòng chống TH-HNCHT cho học sinh của Nhà trường. Nhờ đó, Nhà trường không ghi nhận trường hợp nào bỏ học để lấy chồng, lấy vợ.
Giữa sân trường, chúng tôi ấn tượng bởi tấm bảng pa-nô được đặt ở vị trí dễ nhìn với nhiều câu khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thuộc do Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình phối hợp với Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi thực hiện, với nội dung: “Chỉ kết hôn trong độ tuổi quy định của pháp luật/Cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu trực hệ hoặc trong phạm vi 3 đời/Vì sức khỏe cộng đồng và một xã hội văn minh, tiến bộ”…
Qua trò chuyện với một số em học sinh, những câu hỏi như: độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật? Vì sao lại cấm kết hôn với người cùng dòng máu trực hệ hoặc trong phạm vi 3 đời (hay còn gọi là hôn nhân cận huyết thống)? Hậu quả của TH-HNCHT? Được các em trả lời khá rành mạch, đầy đủ.
Em Bùi Hồng Ngọc, dân tộc Mường, lớp 7B cho biết, những câu hỏi của chúng tôi khá dễ, bởi các hoạt động ngoại khóa do Nhà trường tổ chức thường có chủ đề này. Tại lớp học, các thầy cô giáo cũng thường xuyên chia sẻ về tác hại của việc yêu sớm, về TH-HNCHT, từ đó em biết tảo hôn là vi phạm pháp luật. Do vậy, em và các bạn trong lớp sẽ tập trung học tập, không yêu sớm để có một tương lai tươi sáng hơn.
Em Phạm Như Quỳnh, học sinh lớp 10 giải thích cụ thể, Nhà trường thường tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền về TH-HNCHT bằng nhiều hình thức như: tổ chức cuộc thi, sân khấu hóa và bằng video… Năm học vừa qua, em và các bạn được theo dõi các anh chị tập luyện và tham gia Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về TH-HNCHT cho học sinh các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức. Từ cuộc thi đã giúp em và các bạn trong trường có thêm kỹ năng, kiến thức, hiểu biết pháp luật để tự bảo vệ mình, không để mình trở thành nạn nhân của TH-HNCHT.
Thầy giáo Nguyễn Trọng Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT&THCS huyện Kim Bôi cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng TH-HNCHT, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị như Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền như: phát tờ rơi, treo pano, áp phích, trình chiếu video clip; lồng ghép tuyên truyền vào giờ học trên lớp trong một số môn học như môn Giáo công dân, giáo dục kinh tế pháp luật, môn Ngữ văn…; tuyên truyền gắn với các hoạt động văn nghệ, giờ sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ theo chủ đề; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về TH-HNCHT, Luật Hôn nhân và Gia đình…
Thầy Hưng tự hào kể, năm 2023 tại Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về TH-HNCHT cho học sinh các Trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, Trường Phổ thông DTNT THPT&THCS huyện Kim Bôi đã tích cực hưởng ứng tham gia. Kết quả là các em học sinh trong trường đã xuất sắc giành giải Nhất vòng cụm; tại cuộc thi Chung khảo cấp tỉnh giành giải Ba.
Theo thầy Hưng, nội dung cuộc thi có 4 phần chính, gồm: Chào hỏi, tiểu phẩm, thi kiến thức và hùng biện. Nếu phần thi tiểu phẩm giúp các em hiểu được những tác hại, hệ lụy của TH-HNCHT, thì phần thi kiến thức và hùng biện giúp các em có thể nắm chắc những quy định của pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, về Luật bình đẳng giới, Luật Trẻ em và Luật phòng, chống bạo lực gia đình…
Nhấn mạnh về hiệu quả của Cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, phòng chống TH-HNCHT, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi – Đinh Công Phụng cho rằng: “Cuộc thi như vậy đem lại hiệu quả tuyên truyền rất cao, đã tạo sân chơi bổ ích cho các em học tập, trao đổi kiến thức, nâng cao sự hiểu biết về pháp luật; có thể chính các em sẽ là kênh thông tin, là tuyên truyền viên tích cực tới người thân, bạn bè trong trường và nơi dân cư mà các em sinh sống, tạo sức lan tỏa đến cộng đồng và xã hội tham gia đẩy lùi tình trạng TH&HNCHT”.
Ông Đinh Công Phụng, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi cũng nhấn mạnh thêm: Qua các hoạt động ngoại khóa ở trong trường, và qua cuộc thi đã giúp học sinh được thực hành nhiều kĩ năng sống, được trải nghiệm và thể hiện bản thân, được phát huy năng lực, sở trường của mình, được chia sẻ thông tin với bạn bè, có được môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh, bổ ích. Quan trọng nhất, học sinh đã tích lũy được kiến thức và kĩ năng tự bảo vệ mình trước vấn nạn này.
Nguồn: https://baodantoc.vn/truong-pho-thong-dan-toc-noi-tru-thcs-va-thpt-huyen-kim-boi-hoa-binh-noi-khong-voi-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-1729046814654.htm