Hôm qua (21/10), gần 500 hiệu trưởng trường học trên địa bàn thủ đô đã tham gia Hội thảo “Trường học hạnh phúc- Tương lai của chúng ta”. Tại đây, nhiều nhà giáo đã có những chia sẻ về kinh nghiệm của họ trong xây dựng mô hình trường học hạnh phúc.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu quan điểm, không có có học sinh hư. Thầy, cô giáo, nhà trường phải có niềm tin vào học trò.
“Xây dựng Trường học hạnh phúc phải vì sự tiến bộ của con người, sự phát triển của bản thân thầy, cô giáo, học trò; mà ở đó hiệu trưởng có sứ mệnh đặc biệt quan trọng” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa – người sáng lập Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, trường học hạnh phúc không phải là một khái niệm, cũng không phải là một mô hình.
Đây là khái niệm mang ý muốn hàm ý đến cách thức vận hành một trường học để thực hiện được mục tiêu giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh.
“Trường học hạnh phúc không phải là một mô hình, bởi nếu là mô hình thì không có độ mở, xây dựng theo mô hình sẽ khó khăn đối với những trường học ở mọi vùng miền khác nhau” – tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.
Trường học hạnh phúc có được khi ta thay đổi các vận hành nhà trường với mục tiêu giáo dục vì sự phát triển con người, vì con người. “Trường học hạnh phúc là bầu không khí nóng ấm trong mối quan hệ giữa con người và con người” – TS Nguyễn Văn Hòa bày tỏ.
Cũng theo thầy Nguyễn Văn Hòa, Trường học hạnh phúc là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên đều cảm thấy an toàn, yêu thương, tôn trọng, được hiểu và được có giá trị.
Trường học hạnh phúc là cách vận hành nhà trường, nơi học sinh cảm nhận được hạnh phúc và trở thành động lực nội tại để học sinh hứng thú học tập, sáng tạo. Làm sao để mỗi trò đều tiến bộ và nên người.
Trao đổi 5 bước xây dựng trường học hạnh phúc, TS Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: Thứ nhất, nhận ra, xác định sứ mệnh, mục tiêu và phương châm giáo dục học sinh.
Thứ hai, nhận ra và lựa chọn con đường giáo dục mình theo đuổi – con đường xây dựng trường học hạnh phúc.
Thứ ba, thấu hiểu bản thân, điều chỉnh và thay đổi bản thân các nhà quản lý/ lãnh đạo trường học và các giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường.
Thứ tư, xác định và trang bị các nhóm năng lực, kỹ năng, bí kíp cần có ở giáo viên, cán bộ nhân viên để xây dựng Trường học hạnh phúc để hiện thực hóa mục tiêu, sứ mệnh giáo dục đã chọn.
Thứ năm, đánh giá, lượng giá và cập nhật quá trình, cách làm, đồng thời thúc đẩy, điều chỉnh kịp thời/khi cần thiết.