Nếu chỉ có một bên nỗ lực, các bên còn lại gây sức ép hoặc thiếu sự tôn trọng, thấu cảm lẫn nhau thì đều khó đạt mục tiêu chung là giáo dục học sinh (HS) nên người.
THẦY PHẢI RA THẦY, TRÒ PHẢI RA TRÒ
Trao đổi với PV Thanh Niên, nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết để giữ môi trường tôn nghiêm trong học đường thì thầy phải ra thầy, trò phải ra trò.
Học trò tôn kính thầy cô. Thầy cô giáo cũng không thể cho mình là giáo viên (GV) rồi thích nói gì HS cũng được. Khi trao đổi với HS, GV phải cân nhắc từng lời nói, cử chỉ, không thể nào xúc phạm, mắng chửi các em, đó là sự tôn trọng dành cho HS.
Nhìn từ phía phụ huynh HS, ông Ngai cho biết người thân của các em cũng phải hành xử đúng mực, tôn trọng nhà trường, tôn trọng GV, không phải là nghe con đi học về rồi kể điều gì ở trường, chưa rõ thực hư, đúng sai ra sao, nhưng đã tới trường, xúc phạm GV, thậm chí hành hung GV, hoặc viết những thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội…
CÔNG KHAI MINH BẠCH TRONG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC
Anh N.V, phụ huynh HS tại Q.Bình Tân (TP.HCM), cho rằng để tạo được sự tin tưởng, hợp tác của phụ huynh trong môi trường giáo dục, đồng hành cùng nhà trường trong các hoạt động giáo dục giúp HS phát triển, nhà trường phải công khai, minh bạch thông tin. Công khai các chương trình nhà trường, hoạt động giáo dục liên kết trong trường học… để phụ huynh có thể hiểu về chương trình con học, giáo án ra sao, hiệu quả như thế nào, từ đó thuận tiện khi đăng ký cho con. Công khai tới chất lượng bữa ăn bán trú, đơn vị cung cấp suất ăn, tạo điều kiện để phụ huynh cùng phối hợp với thầy cô trong ban giám hiệu nhà trường, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ trong các khâu đảm bảo an toàn thực phẩm…
Thời gian qua, để công khai minh bạch chất lượng giáo dục tới phụ huynh HS, nhiều trường công lập tại TP.HCM tổ chức các ngày Open House, mời phụ huynh tới trường thăm cơ sở vật chất, học cùng con, ăn cơm cùng con. Đây cũng là cách để phụ huynh có thể quan sát một ngày làm việc của các GV, nhân viên bảo mẫu, để có thêm thấu cảm với công việc vất vả, nặng nhọc của các thầy cô.
Chị Thái Thị Kim Anh, có con học tại Trường mầm non 19-5 Thành Phố (TP.HCM), cho biết con của chị mới học 2 tháng nhưng chị đã được cùng các phụ huynh khác tham gia nhiều hoạt động của các con tại trường, được quan sát con học, con chơi như thế nào, giờ ăn của con ra sao… “Trường con không có camera trong từng lớp học, nhưng với môi trường mở, phụ huynh đều yên tâm, tin tưởng trường học và thầy cô tuyệt đối”, chị Kim Anh nói.
Bà Nguyễn Thị Trà My, GV nghỉ hưu, có cháu học lớp lá Trường mầm non 19-5 Thành Phố, cho biết được vào học cùng cháu gái trong buổi sáng, bà thấy rất rõ 2 điều: Một là GV mầm non rất cực, vừa dạy vừa chăm trẻ, cho trẻ ăn, dỗ trẻ khóc, vừa sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại mang tới tiết học hấp dẫn cho trẻ em. Hai là sự ấm áp của các GV mầm non, sự quý mến của các con dành cho thầy cô.
Theo bà My, khi giáo dục minh bạch, cho phụ huynh nhiều cơ hội để được học tập, vui chơi cùng con em mình, thấu hiểu hơn về công việc vất vả của đội ngũ thầy cô giáo và nhân viên, chắc chắn phụ huynh sẽ có thêm sự chia sẻ để phối hợp tốt hơn với nhà trường trong giáo dục, chăm sóc trẻ.
TRƯỜNG HỌC ĐẦU TIÊN CỦA CON LÀ GIA ĐÌNH
Thầy Nguyễn Văn Đại Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồ Văn Thanh (Q.12, TP.HCM), cho rằng để cùng kiến tạo môi trường học đường lành mạnh, hạnh phúc của cả thầy và trò thì vai trò không chỉ dồn lên đôi vai của thầy cô giáo. Trách nhiệm của phụ huynh HS phải có và rất quan trọng.
“Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ, nơi trẻ được dạy dỗ, rèn giũa đạo đức và nhiều phẩm chất khác từ khi mới chào đời. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ dạy các con lễ phép, trên kính dưới nhường, anh em hòa thuận. Ông bà, cha mẹ cũng phải làm gương để con cái noi theo. Noi gương từ những cư xử nhỏ khi đi trên đường phố, cho tới những giao tiếp khác trong xã hội. Khi con cái được làm gương từ những điều nhỏ bé ấy, dần dần các con sẽ học được sự lễ phép, hiếu thuận, sự bình tĩnh, ôn hòa, vào trường học cũng sẽ biết tôn sư trọng đạo”, thầy Thanh chia sẻ.
Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM), cho biết hiện nay chỉ với riêng việc dạy kiến thức thôi thì GV đã phải rất cố gắng. Các thầy cô phải chăm chút cho bài giảng, nâng cao kiến thức chuyên môn, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao, thích ứng trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, GV còn có trách nhiệm giáo dục đạo đức cho HS. Việc này không đơn giản trong bối cảnh mỗi em mỗi cá tính, một số trẻ em được cha mẹ nuông chiều khi ở nhà, lên lớp có thái độ chưa đúng với thầy cô, nhân viên trường học…
Theo cô Hương, nhà trường, GV rất mong có được sự đồng hành, chia sẻ, thấu hiểu của cha mẹ HS trong việc giáo dục các em. Bởi gia đình – nhà trường – xã hội đều chung một mục tiêu giáo dục: chăm sóc con trẻ nên người, trở thành những công dân có ích.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần công bằng trong xử lý những phát ngôn, hành vi của phụ huynh HS, để mang lại môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Một cán bộ quản lý tại Q.7 (TP.HCM) cho hay GV, nhân viên nhà trường khi vi phạm các vấn đề trong giao tiếp với phụ huynh, trong đạo đức nghề nghiệp… thì trong ngành giáo dục sẽ xử lý các thầy cô đó, căn cứ bởi các luật như luật Viên chức, luật Giáo dục… Còn những phụ huynh HS xúc phạm nhà giáo, viết hay nói sai sự thật về nhà giáo trên mạng xã hội, cuối cùng họ xóa bài hoặc chỉ nói được một hai lời xin lỗi rồi thôi, như vậy là chưa thỏa đáng, chưa công bằng với GV.
Tập huấn cho giáo viên, nhân viên trường học cách giao tiếp với phụ huynh
Đó là hoạt động diễn ra tại nhiều trường học tại TP.HCM thời gian qua. Đầu năm học, các trường tổ chức các buổi tập huấn nội bộ, có sự hỗ trợ từ các chuyên gia giáo dục, để các cán bộ quản lý, GV, nhân viên trường học biết cách trao đổi, giao tiếp với phụ huynh; biết cách ghi nhận những phản hồi, đóng góp từ phía phụ huynh HS cho thấy sự cầu thị, tôn trọng, sẵn sàng lắng nghe của nhà trường. Theo các chuyên gia, đây là điểm tích cực của trường công lập tại TP.HCM, để nhà trường – gia đình – xã hội nhìn chung một mục tiêu giáo dục con trẻ nên người.
Không chỉ áp lực từ những phụ huynh “máy bay trực thăng”
GV chúng tôi gọi những phụ huynh kiểm soát, liên tục nhắc nhở và can thiệp vào việc học tập, kết bạn của con ở học đường, ngoài đời sống là những phụ huynh “máy bay trực thăng”. Đáng chú ý là hiện nay GV không chỉ chịu áp lực từ những phụ huynh như vậy, mà còn đối diện với nhiều áp lực khác. Đó là quá tải với những công việc ngoài chuyên môn như hối thúc HS đóng tiền, từ học phí tới tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…; quá tải với những phong trào của ngành…
Ở vùng nông thôn, sau giờ dạy, nhiều đồng nghiệp của tôi phải ra đồng chăm sóc cho luống rau, thửa ruộng để có thêm thu nhập. Khi ra chợ, GV phải cân đong đo đếm cho bữa ăn hằng ngày. Trong sự tận tâm của lòng yêu nghề, các GV đều cố gắng mang lại những niềm vui, ý nghĩa trong từng tiết học, nhưng trong lòng mình, chúng tôi còn không ít băn khoăn.
Mong sao mỗi GV đều thật sự có môi trường làm việc hạnh phúc, ổn định cuộc sống, để chính GV được hạnh phúc, trước khi kiến tạo niềm vui, hạnh phúc cho học trò.
Lê Tấn Thời (GV Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, H.Chợ Mới, An Giang)
Nguồn: https://thanhnien.vn/giao-vien-ap-luc-vi-phu-huynh-di-tim-tieng-noi-chung-185241205182201068.htm