Không mặc đồng phục, không đeo phù hiệu nhưng học sinh vẫn dễ dàng điểm danh nhờ phần mềm ‘nhà làm’ của trường.
Với mong muốn giúp giáo viên, nhà trường quản lý học sinh tốt hơn khi các em tham gia những hoạt động ngoại khóa, kỹ thuật viên Nguyễn Bảo Nam, phụ trách công nghệ thông tin Trường THPT Võ Văn Kiệt, TP.HCM, đã tự viết phần mềm quản lý học sinh, mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, nhà trường.
Cầm thẻ đeo có in mã vạch, em Trần Hoài Ánh Băng, lớp 11A7 Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM, mang trên mình bộ quần áo bà ba vào trường và đi đến chỗ giám thị để quẹt thẻ ra vào. Chỉ cần một thao tác đơn giản này đã giải quyết được nhiều khâu trong điểm danh, quản lý học sinh.
Phần mềm viết trong vòng 1 tuần
“Trong Ngày thứ năm hạnh phúc, chúng em được chọn quần áo, túi xách theo sở thích, không mặc đồng phục học sinh, không đeo phù hiệu nhưng vào trường chúng em không bị bất tiện trong điểm danh hay những sự việc khác. Vì hiện nay trường em đã có thẻ điểm danh, chỉ cần quẹt thẻ các dữ liệu này của em sẽ được báo về giáo viên chủ nhiệm, về nhà trường. Em thấy việc này thật tiện lợi cho em và nhà trường” – Ánh Băng hào hứng nói.
Cảm nhận của Ánh Băng cũng là cảm nhận của nhiều học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt kể từ khi trường này sử dụng phần mềm “Điểm danh học sinh” do kỹ thuật viên phụ trách công nghệ thông tin Nguyễn Bảo Nam viết.
“Giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường thông qua hệ thống quản lý học sinh để quản lý thời gian, số lượng học sinh đến trường trong một ngày sôi động như Ngày thứ năm hạnh phúc. Việc nhận diện học sinh diễn ra dễ dàng dù trong ngày này học sinh không mặc đồng phục, không đeo phù hiệu mà được mặc theo sở thích cá nhân” – cô Hồng Anh, phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, nhận xét.
Phần mềm “Điểm danh học sinh” của kỹ thuật viên Nguyễn Bảo Nam ra đời vào tháng 4-2024. “Trường chúng tôi tổ chức Ngày thứ năm hạnh phúc, việc quản lý 1.860 học sinh không hề dễ dàng. Các em được mặc trang phục theo sở thích. Nếu quản lý theo điểm danh truyền thống sẽ rất mất thời gian và cần nhiều nhân lực, cũng có thể có việc người lạ trà trộn vào trường, vì thế tôi nghĩ đến việc viết phần mềm điểm danh học sinh để giúp nhà trường quản lý học sinh dễ dàng hơn” – anh Nam nói.
Với máy vi tính và những phương tiện sẵn có ở trường, chỉ trong khoảng một tuần thức khuya dậy sớm, kỹ thuật viên Bảo Nam đã hoàn thành phần mềm “Điểm danh học sinh”, quét toàn bộ dữ liệu 1.860 học sinh của trường giúp nhận diện chính xác học sinh, lớp.
Tuy nhiên phần mềm lúc đó chưa hiển thị thời gian học sinh vào trường. Tiếp thu góp ý này, anh Nam đã bổ túc tính năng hiển thị thời gian thực, giúp việc điểm danh học sinh của giáo viên dễ dàng hơn.
Giờ đây phần mềm đã cho các thông số chính xác ngày giờ học sinh đến trường, số lượng và báo về cho giáo viên chủ nhiệm. Ban giám hiệu nhà trường cũng nắm được con số này ngay lập tức. Học sinh và nhà trường sử dụng phần mềm mà không phải đóng bất kỳ khoản phí nào.
Kỹ thuật viên yêu nghề dạy học
Kỹ thuật viên Bảo Nam đã làm việc tại Trường THPT Võ Văn Kiệt được 5 năm. Anh phụ trách toàn bộ hệ thống máy tính, phòng máy học sinh, máy tính văn phòng và toàn bộ hệ thống mạng của trường.
Trò chuyện với chúng tôi, Bảo Nam cho biết anh đang tiếp tục nâng cấp để phần mềm có thể nhận diện được khuôn mặt học sinh, nhận diện học sinh trong từng lớp học và báo về cho phụ huynh học sinh biết.
Đồng lương của nhân viên trong nhà trường thấp, ngoài công tác công nghệ thông tin, Nguyễn Bảo Nam còn phụ trách nhiều mảng khác như quản lý học sinh bán trú để tăng thêm thu nhập.
Tuy vậy, khi chúng tôi đặt vấn đề “phần mềm điểm danh” này có thể bán vì rất nhiều trường đang cần, anh Nam từ chối: “Tôi yêu học sinh và mong muốn góp sức của mình để mang lại những tiện ích thiết thực cho các em, giáo viên, nhà trường và phụ huynh. Tôi làm việc này hoàn toàn không có ý định để bán, chỉ mong muốn phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý của nhà trường. Tôi yêu nghề dạy học”.
Trước đây, Nguyễn Bảo Nam từng là kỹ thuật viên phụ trách công nghệ thông tin của Toyota Việt Nam nhưng vì yêu thích dạy học, anh xin vào làm giáo viên dạy tin học của một trường tiểu học ở TP.HCM.
“Tôi tốt nghiệp bằng cấp ở trường đại học nước ngoài (Mỹ) nên không thể vào làm giáo viên tin học ở trường. Vì thế, hiện nay tôi bằng lòng với việc làm kỹ thuật viên của trường và theo đuổi công việc gần gũi với học sinh, bên cạnh các em”, anh Nam chia sẻ.
Món quà quý
Cô Lê Thị Hồng Anh cho biết phần mềm điểm danh học sinh của kỹ thuật viên Nguyễn Bảo Nam giúp cho công tác quản lý học sinh của giáo viên, nhà trường thuận lợi hơn.
“Trường rất cảm ơn Bảo Nam giúp trường và giáo viên tiếp cận quản lý học sinh trong thời đại số này. Trường chúng tôi không có nhiều chi phí cho công tác này nên việc Bảo Nam viết phần mềm quản lý này thực sự là một món quà quý đối với nhà trường” – cô Hồng Anh nhận xét.
Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-dung-phan-mem-diem-danh-nha-lam-hoc-sinh-khen-tien-qua-20241211090032695.htm