Mới đây, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức một hội thảo về chủ đề lựa chọn tạp chí quốc tế uy tín để công bố kết quả nghiên cứu khoa học. Tại hội thảo, đại diện Phòng Khoa học công nghệ của trường đã chia sẻ một số thông tin có tính cảnh báo của cộng đồng khoa học quốc tế về uy tín, chất lượng của một số nhà xuất bản (NXB) quốc tế, từ đó đưa ra cảnh báo cho các nhà khoa học trong đơn vị mình, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm ngăn chặn việc công bố trên tạp chí “săn mồi”, tạp chí “xám” (các tạp chí “săn mồi” thì được gọi luôn là tạp chí đen, còn tạp chí “xám” nằm ở ranh giới giữa đen và trắng – PV).
TỪ CẢNH BÁO CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ
Theo PGS Hoàng Thị Minh Thảo, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, trong những năm gần đây, tình hình công bố quốc tế của Trường ĐH Khoa học tự nhiên có sự tăng trưởng đều đặn, hiện đã vượt con số 500 bài/năm. Chất lượng công bố nhìn chung khá tốt, phần lớn các bài có uy tín học thuật cao. Đến nay, trường chưa ghi nhận có phản ánh nào về các trường hợp vi phạm liêm chính học thuật như mua bán bài báo khoa học, giả mạo số liệu, công bố nhiều bài trên các tạp chí “săn mồi”…
Tuy nhiên, có hiện tượng một số bài được công bố trên 3 NXB là MDPI, Hindawi và Frontiers. Qua con số thống kê cho thấy, số lượng bài báo của trường đăng trên 3 tạp chí này không nhiều, tỷ lệ không cao (khoảng 6%, tính từ năm 2018). Hầu hết đăng ở tạp chí Q1, Q2 của MDPI; Q2, một số Q1, Q3 của Hindawi; hầu hết Q1 của Frontiers (Q là chỉ số uy tín của tạp chí, Q thấp hơn thì uy tín được cho là tốt hơn – PV). Nguồn hỗ trợ thì đa dạng: đề tài nhà nước, tài trợ nước ngoài, tài trợ của Quỹ NAFOSTED… Điều đáng chú ý là tỷ lệ bài đăng ở các NXB này của Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội có chiều hướng gia tăng.
Trong khi đó, uy tín, chất lượng khoa học các tạp chí của 3 NXB nói trên hiện là vấn đề “nóng”, đang được cộng đồng khoa học thế giới quan tâm. Sự việc khiến 3 NXB nói trên trở thành tâm điểm chú ý của sự “tai tiếng” là công trình nghiên cứu của GS M.Az. Oviedo-Garcı́a công bố năm 2021 trên một tạp chí của ĐH Oxford, nói về một số vấn đề của các tạp chí NXB MDPI. Trong đó, GS Oviedo-Garcı́a nêu một số vấn đề của các tạp chí NXB MDPI như tự trích dẫn tăng cao và cao hơn rất nhiều so với các tạp chí hàng đầu trong danh mục. Phân tı́ch mô hı̀nh trı́ch dẫn cho thấy, chúng có thể là các tạp chı́ “săn mồi”; tổng số lượng bài tăng quá nhanh và rất khác nhau giữa các tạp chı́, thời gian bình duyệt ngắn…
Trong năm nay, có một công bố nghiên cứu khác liên quan tới chất lượng tạp chí của 2 NXB Hindawi và Frontiers của các tác giả Mark A. Hanson, Pablo Gómez Barreiro, Paolo Crosetto, Dan Brockington. Công trình này nói về áp lực đăng bài, về việc xuất hiện một số chỉ dấu ảnh hưởng tới chất lượng của các bài công bố trên những tạp chí của các NXB MDPI, Hindawi và Frontiers. “Đây là những thông tin khiến cho cộng đồng các nhà khoa học quan tâm tới 3 NXB này”, PGS Thảo chia sẻ.
PHẢN ỨNG CỦA CÁC QUỐC GIA
PGS Thảo cũng cho biết, đứng trước bối cảnh trên, một số quốc gia đã có những phản ứng ban đầu. Tháng 7, Bộ Đại học Malaysia ra thông báo yêu cầu các ĐH công không sử dụng tiền ngân sách để trả phí đăng bài báo trên tất cả các tạp chí thuộc 3 NXB MDPI, Hindawi và Frontiers.
Ở Trung Quốc, Viện Hàn lâm khoa học đưa vào danh sách cảnh báo nhiều tạp chí của MDPI, Hindawi và Frontiers (bao gồm cả các tạp chí ISI thuộc nhóm Q1, Q2). Cũng ở Trung Quốc, ĐH Công thương Chiết Giang đã đưa toàn bộ tạp chí của 3 NXB này vào danh sách đen (đầu năm 2023), không hỗ trợ phí đăng bài, không tính đến khi đánh giá nhà khoa học.
Nhóm Harbingers project gồm nhiều nhà khoa học thuộc 9 quốc gia đã thống kê các phản ứng của các quốc gia với những tạp chí “xám”. Theo đó, các nước có phản ứng cụ thể (ở cấp quốc gia) bày tỏ sự lo ngại với tạp chí “xám” gồm: Malaysia, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan.
Ở VN, Quỹ VINIF (của Tập đoàn Vingroup) thông báo chỉ nghiệm thu các bài báo không nằm trong các tạp chí thuộc các nhà xuất bản MDPI, Hindawi (từ tháng 8.2020). Trường ĐH Luật TP.HCM (tháng 11.2022) thông báo về những tiêu chí nhận diện các tạp chí quốc tế không đáng tin cậy và không khen thưởng cho các bài đăng trên các tạp chí này. Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đưa ra khuyến cáo các nhà khoa học của mình cẩn trọng khi công bố trên các tạp chí của 3 NXB MDPI, Hindawi và Frontiers.
49% ĐỀ NGHỊ KHÔNG HỖ TRỢ BÀI BÁO ĐĂNG TRÊN NXB có nhiều tranh cãi
Phòng Khoa học công nghệ của Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội đã tiến hành một khảo sát xoay quanh vấn đề lựa chọn tạp chí uy tín để công bố công trình khoa học. Qua khảo sát cho thấy, còn quá nhiều câu hỏi ngổn ngang trong các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ trong việc công bố quốc tế. Chẳng hạn như, làm thế nào để nhận biết tạp chí phù hợp để công bố quốc tế; làm sao để tránh các tạp chí “săn mồi”, tạp chí mạo danh, tạp chí uy tín thấp; việc công bố trên các tạp chí này ảnh hưởng tới uy tín của nhà khoa học như thế nào…
Hoặc khi được hỏi, nhà trường có nên hỗ trợ các bài báo đăng bởi những NXB có nhiều tranh cãi không, thì câu trả lời còn khá phân tán. Chỉ 49% nói không hỗ trợ; 27,5% nói có hỗ trợ nhưng mức thấp hơn các bài khác; 23,5% cho rằng cứ hỗ trợ như bình thường. Vì thế, Phòng Khoa học công nghệ chọn giải pháp dung hòa để đề xuất lên ban giám hiệu là ưu tiên hỗ trợ các bài báo công bố trên các tạp chı́ uy tı́n; không ưu tiên hỗ trợ các bài báo công bố trên các tạp chı́ có dấu hiệu chất lượng thấp.
Nhưng với câu hỏi có nên tính các bài báo đăng bởi những NXB có nhiều tranh cãi để xét khen thưởng, vinh danh hay xét chọn nhóm nghiên cứu mạnh không, câu trả lời nhất quán hơn. Đa số (72,5%) trả lời không, còn 27,5% nói có. Vì thế, đề xuất được chọn là chú trọng hơn về mặt chất lượng các công trình công bố khi xét khen thưởng, vinh danh hoặc chọn nhóm nghiên cứu mạnh.
PGS Thảo cũng cho biết, Phòng Khoa học công nghệ đã đề xuất nhà trường sớm xây dựng và ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật, ban hành văn bản hướng dẫn nhận diện tạp chí “săn mồi”, thường xuyên cập nhật thông tin về các tạp chí có vấn đề về chất lượng, chia sẻ các công trình nghiên cứu mới nhất về uy tín của các tạp chí.
Theo PGS Trần Quốc Bình, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học công bố khoa học nói chung và công bố quốc tế nói riêng nhưng nhà trường cũng yêu cầu các nhà khoa học, các cán bộ của mình phải đề cao liêm chính học thuật, vì chỉ như thế mới giữ được uy tín cho bản thân nhà khoa học cũng như cho trường ĐH.
Yếu tố đầu tiên là đảm bảo liêm chính khoa học
GS Nguyễn Thế Toàn (Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) cho rằng, các thước đo Q mấy hay chỉ số H-Index chỉ là những thước đo tương đối. Cho dù đăng ở đâu, Q mấy hay H-Index bao nhiêu, tạp chí nào thì yếu tố đầu tiên các nhà khoa học cần quan tâm là đảm bảo liêm chính khoa học. Một khi đã bước chân vào làm khoa học thì cần biết mình nên công bố ở tạp chí nào phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của mình; cần có đủ năng lực phân biệt đâu là tạp chí uy tín, đâu là tạp chí “dởm”.
Một khi đã bước chân vào làm khoa học thì nên tâm niệm làm khoa học thật sự. Đừng chọn phương án dễ dãi vì nghĩ mình mới bắt đầu. “Hôm nay đăng bài làm dối, bài không chất lượng thì về sau đó là vết nhơ trong cuộc đời khoa học của các bạn. Hãy nghĩ về tương lai, hãy làm những công trình tốt, hãy giữ sự liêm chính khoa học”, GS Toàn chia sẻ.