Chặt chẽ như Jordan
Đội tuyển Jordan đã thắng Hàn Quốc để vào bán kết Asian Cup 2023. Thoạt nhìn, tỷ số 2-0 có thể gây sốc khi nhìn vào chênh lệch lực lượng, kinh nghiệm giữa hai đội. Nhưng nếu quan sát thế trận trên sân, cần khẳng định: đội tuyển Jordan thắng rất xứng đáng nhờ lối chơi phòng ngự phản công chặt chẽ, khoa học.
Đại diện Tây Á chỉ để Hàn Quốc dứt điểm 7 lần trong cả trận, trong đó không có bất cứ lần nào bóng đi trúng khung thành.
Jordan đã tận dụng tối đa ưu thế thể chất và sức mạnh cơ bắp để làm hai nhiệm vụ. Thứ nhất, khóa chặt các tình huống không chiến của Hàn Quốc, không để những cầu thủ to khỏe như Cho Gue-sung có cơ hội bật cao đánh đầu.
Thứ hai, thắng các pha tranh chấp một đấu một, đeo bám dẻo dai, liên tục, sử dụng số đông hậu vệ để bọc lót, khóa chặt những ngòi nổ năng động như Son Heung-min, Lee Kang-in hay Hwang Hee-chan.
Nhờ lối chơi phòng ngự phản công thực dụng và xù xì, Jordan chỉ cần cầm bóng 30%, nhưng vẫn dứt điểm tới 17 lần, trong đó 7 lần bóng đi trúng cầu môn. Ngược lại, Hàn Quốc kiểm soát bóng tới 70%, song số pha dứt điểm lẫn cơ hội ăn bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cuộc so tài giữa Jordan và Hàn Quốc cũng không phải trận đấu duy nhất ở Asian Cup mà đội cầm bóng nhiều hơn, có hàng công nhỉnh hơn… phải nhận thất bại chung cuộc.
Ở cuộc so tài với Nhật Bản, đội tuyển Iran chỉ cầm bóng 42% (so với 56%) của đối thủ, nhưng lại tạo ra số lượng cơ hội vượt trội với 17 pha dứt điểm, so với con số 8 ít ỏi của Nhật Bản. Iran thắng 2-1 ở trận này, với thế trận vô cùng thuyết phục.
Cầm bóng ít hơn, tại sao lại chơi hay hơn? Đó là bởi hai đội bóng Tây Á nhường quyền kiểm soát cho đối thủ để đảm bảo chặt chẽ khâu phòng ngự và tấn công rất ít chạm, đơn giản.
Đơn cử, Iran không phối hợp phức tạp (đến mức máy móc) như Nhật Bản, mà tấn công “vỗ mặt” bằng các đường bóng dài, bóng bổng, tận dụng ưu thế thể chất để đưa bóng vào vòng cấm càng nhanh càng tốt.
Việc cầm bóng nhiều nhưng không có ý tưởng rõ ràng, rất dễ mắc sai lầm. Cả hai đội Nhật Bản và Hàn Quốc đều dồn ép đối thủ, nhưng Iran và Jordan đều không nao núng khi phòng ngự khoa học và tận dụng những pha chuyển trạng thái nhanh, gọn để phản đòn.
Đó cũng là công thức thành công của nhiều đội tuyển. Không cần có thế trận tốt hơn, mà chỉ cần hay hơn ở một vài khoảnh khắc để chiến thắng. Không cần chuyền nhiều, nhưng phải chuyền sắc bén và chất lượng.
Jordan không phải đội tuyển quá mạnh, thực ra chỉ ngang tầm đội tuyển Việt Nam thời HLV Park Hang-seo. Song, đội bóng Tây Á đã thăng hoa nhờ lối chơi hợp lý.
Bóng đá hiện đại ngày càng chú trọng khâu phòng ngự cũng như chất lượng chuyền bóng, thay vì lấy kiểm soát bóng làm thước đo đẳng cấp.
Phòng ngự là xu thế
Hành trình vào chung kết Asian Cup 2023 của Jordan có thể chia làm hai nửa. Nửa đầu tiên là 4 trận đấu (3 trận vòng bảng cùng 1 trận ở vòng 16 đội) với 9 bàn thắng và 5 bàn thua. Đây là giai đoạn Jordan lấy công bù thủ, ghi bàn nhiều để khỏa lấp sai lầm của tuyến phòng ngự.
Nhưng ở nửa sau, Musan Al-Taamari cùng đồng đội giữ sạch lưới cả 2 trận gặp Tajikistan (1-0) và Hàn Quốc (2-0). 3 bàn trong 2 trận tứ kết và bán kết không phải con số quá lớn, nhưng quan trọng là Jordan sạch lưới.
Phòng ngự tốt đồng nghĩa nhiều cơ hội giành chiến thắng, bởi trong các trận đấu then chốt, các đội có xu hướng đá chặt chẽ, hạn chế sai lầm. Đội nào mắc ít sai lầm hơn sẽ thắng.
Hai đội ở trận bán kết còn lại gồm Qatar và Iran đều phòng ngự rất tốt. Qatar chỉ thủng lưới 2 bàn trong 5 trận, trong đó có 3 trận sạch lưới ở vòng bảng. Iran đã thủng lưới 4 bàn, nhưng chưa trận đấu nào nhận nhiều hơn 1 bàn thua. Được biết tới với sức tấn công đáng gờm, nhưng Iran đã vượt qua Syria và Nhật Bản nhờ sự chặt chẽ, hợp lý và thực dụng.
Ở sân chơi khắc nghiệt như Asian Cup, kinh nghiệm, sự lọc lõi và kỷ luật mới là điểm tựa thành công.