Một báo cáo khoa học tại Trung Quốc cho biết các phi công tập khí công có sức khỏe và sự bền bỉ vượt trội so với nhóm đối chứng.
Trang Interesting Engineering ngày 13.12 đưa tin Trung Quốc sử dụng một phương pháp cổ xưa để áp dụng vào đào tạo phi công, với hy vọng giúp họ có khả năng vượt trội trong trường hợp phải lái những tiêm kích tàng hình tham chiến.
Theo đó, khí công Bát Đoạn Cẩm đang được tập luyện bởi một nhóm 50 phi công tiêm kích hàng đầu của nước này, trong đó có nhiều phi công từ những phi đoàn tiêm kích trên tàu sân bay.
Họ vận dụng phương pháp luyện tập này để khai thác nguồn năng lượng quan trọng của cơ thể là khí, nhằm cải thiện sự phát triển cơ bắp.
Theo một báo cáo đăng trên chuyên san Chinese Journal of Rehabilitation Medicine mới đây, những người tập khí công đã chứng kiến sự gia tăng trung bình 15% về độ dày của các nhóm cơ quan trọng, bao gồm cả cơ lưng và cơ eo.
Quá trình đào tạo của họ rất căng thẳng, đối mặt với các tình huống như phối hợp với máy bay không người lái.
Để đáp ứng nhu cầu của các trận không chiến công nghệ cao trong tương lai, cường độ luyện tập hằng ngày của họ vượt qua cường độ của các phi công Mỹ, đặt ra những thách thức chưa từng có đối với sức bền thể chất của họ, theo tờ South China Morning Post.
Khí công là một hình thức rèn luyện tâm trí, cơ thể và thiền định truyền thống của Trung Quốc sử dụng các chuyển động cơ thể chậm và chính xác với hơi thở được kiểm soát và tập trung tinh thần để cải thiện sự cân bằng, tính linh hoạt, sức mạnh cơ bắp và sức khỏe tổng thể.
Phát triển ở Trung Quốc, Bát Đoạn Cẩm là một trong những bài tập khí công Trung Quốc có lịch sử hơn 800 năm. Phương pháp này phản ánh sự tương tác giữa các tư thế và chuyển động vật lý đối xứng, tâm trí và bài tập thở theo cách hài hòa. Trọng tâm chính là giải phóng năng lượng bên trong cơ thể với mục đích tạo ra nhiều lợi ích sức khỏe.
Các nghiên cứu trước đây khẳng định rằng luyện tập Bát Đoạn Cẩm có lợi cho chất lượng cuộc sống, chất lượng giấc ngủ, sự cân bằng, sức mạnh nắm tay, độ linh hoạt của thân, huyết áp và nhịp tim.
Báo cáo trên cho biết nhiều phi công bị đau cổ, vai, lưng trước khi huấn luyện. Tuy nhiên, sau khi tập khí công, các triệu chứng của họ giảm đáng kể.
Mức độ gắng sức của họ khi tập thể dục cũng giảm gần 20% so với nhóm đối chứng, trong khi sức mạnh vòng eo của họ tăng 1/3. Sự ổn định cột sống tốt hơn là điều bắt buộc đối với phi công, những người cần duy trì tư thế ngồi lâu ngay cả trong điều kiện bay khắc nghiệt.
Nguồn: https://thanhnien.vn/trung-quoc-muon-dung-khi-cong-dao-tao-sieu-phi-cong-18524121314543789.htm