Trung Quốc đã khánh thành lò phản ứng điện hạt nhân thế hệ thứ 3 đầu tiên, tạo nên bước tiến mới trong lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng sạch.
Bước tiến mới trong ngành điện hạt nhân Trung Quốc
Theo trang thông tin về năng lượng CPG, Trung Quốc đã khánh thành lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 đầu tiên tại quốc gia này. Đây là một cải tiến công nghệ có khả năng cung cấp năng lượng sạch và hiệu quả cho hàng triệu gia đình.
Đáng chú ý, một cột mốc công nghệ khác mà Trung Quốc đạt được đó là lò phản ứng hạt nhân Hualong One, đặt tại nhà máy điện hạt nhân Chương Châu ở tỉnh Phúc Kiến, đã được kết nối với lưới điện và vận hành thành công trong 168 giờ.
Thành tựu này đã củng cố vị thế của Trung Quốc, đưa quốc gia này đi đầu trong việc triển khai lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba, một công nghệ an toàn hơn, hiệu quả hơn và đáng tin cậy hơn so với các phiên bản trước.
Hình ảnh thời điểm đổ bê tông đầu tiên cho lớp nền của tổ máy số 3 tại Trương Châu. Ảnh: CNNC |
Hualong One đại diện cho sự phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân. Trong khi hầu hết các nhà máy đang hoạt động trên toàn cầu đều sử dụng lò phản ứng thế hệ thứ hai, việc chuyển đổi sang thế hệ thứ ba là một bước đi chiến lược để cải thiện an toàn và hiệu quả năng lượng. Trung Quốc với hơn 30 lò phản ứng Hualong đang hoạt động hoặc đang được xây dựng, là nước đi đầu của xu thế này.
Theo Tổng công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC), số lượng tổ máy Hualong One đang hoạt động và xây dựng đã lên tới 33, trở thành công nghệ hạt nhân thế hệ thứ ba được triển khai nhiều nhất trên thế giới.
Năng lượng sạch là mục tiêu chiến lược
Từ năm 2020, Trung Quốc đã theo đuổi một mục tiêu đầy tham vọng là đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060. Trong bối cảnh này, lò phản ứng Hualong đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như than đá. Một lò phản ứng Hualong One có thể giảm 8,16 triệu tấn khí thải CO2 và tiết kiệm 3,12 triệu tấn than mỗi năm.
Khu phức hợp Chương Châu rất quan trọng đối với Trung Quốc. Với tổng cộng 6 lò phản ứng được lên kế hoạch, đây sẽ là cơ sở điện hạt nhân Hualong One lớn nhất thế giới. Khi đi vào hoạt động hoàn toàn, nhà máy sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu điện của khoảng 6 triệu người.
Lò phản ứng đầu tiên đã đi vào hoạt động và lò phản ứng thứ hai dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2025. Dự án này nhận được ngân sách 14 tỷ USD và được coi là một trong những dự án tham vọng nhất trong lĩnh vực hạt nhân toàn cầu. Quyền sở hữu dự án được chia giữa CNNC, nắm giữ 51% cổ phần, và Tập đoàn China Guodian, nắm giữ 49% cổ phần.
Ông Ngô Nguyên Minh, Chủ tịch Công ty Năng lượng Chương Châu, nhận định rằng sự thành công này không chỉ khẳng định độ tin cậy của công nghệ Trung Quốc mà còn mở ra tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng sạch.
Bên cạnh việc sản xuất điện, Hoa Long 1 còn mang đến tiềm năng sử dụng năng lượng hạt nhân toàn diện, bao gồm cung cấp hơi nước xanh cho ngành công nghiệp hóa dầu địa phương. Việc tích hợp điện sạch và hơi nước công nghiệp sạch trong tương lai sẽ thúc đẩy sản xuất bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Về mặt kinh tế, Hoa Long 1 có tỷ lệ nội địa hóa thiết bị trên 90%, giúp mỗi tổ máy xuất khẩu tạo ra giá trị sản xuất lên tới 30 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,1 tỷ USD). Đồng thời, dự án này đã thu hút sự tham gia của khoảng 5.000 công ty trong lĩnh vực cung cấp thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất và trình độ kỹ thuật của các doanh nghiệp.
Lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc: Tác động toàn cầu và triển vọng tương lai
Sự tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực hạt nhân không chỉ củng cố vị thế là cường quốc công nghệ mà còn báo hiệu những thay đổi trong bối cảnh năng lượng toàn cầu. Việc chuyển đổi sang công nghệ an toàn hơn và sạch hơn là ưu tiên của nhiều quốc gia và Trung Quốc có thể là hình mẫu.
Việc mở rộng lò phản ứng Hualong One là một bước tiến cụ thể hướng tới tính bền vững. Ngoài đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, việc giảm phát thải carbon còn củng cố cam kết hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Trong khi Mỹ vẫn dẫn đầu về tổng công suất điện hạt nhân, Trung Quốc đang đặt cược vào tương lai bằng các công nghệ tiên tiến. Tốc độ triển khai nhanh chóng các lò phản ứng thế hệ thứ ba cuối cùng có thể đưa đất nước này lên vị trí dẫn đầu toàn cầu, cả về đổi mới sáng tạo và công suất lắp đặt. Việc kết nối lò phản ứng Hualong One đầu tiên ở Chương Châu chỉ là sự khởi đầu của một dự án lớn hơn và đầy tham vọng hơn.
Với những tiến bộ liên tục, Trung Quốc chứng tỏ rằng họ đã sẵn sàng định hình tương lai của năng lượng hạt nhân.
Toàn cảnh điện hạt nhân thế giới
Trong khi Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về sản xuất điện hạt nhân. Năm 2023, Mỹ đã tạo ra hơn 779.000 gigawatt-giờ (GWh) điện hạt nhân, gần gấp đôi sản lượng của Trung Quốc trong cùng kỳ là 406.484 GWh.
Về cơ sở hạ tầng, Mỹ có 94 lò phản ứng đang hoạt động, trong khi Trung Quốc có 56 lò. Tuy nhiên, hầu hết các lò phản ứng của Mỹ được xây dựng từ năm 1970 đến năm 1990, nghĩa là nhiều lò vẫn sử dụng công nghệ thế hệ thứ hai.
Ngược lại, Nhật Bản là nước đầu tiên khánh thành lò phản ứng thế hệ thứ ba vào năm 1996, đánh dấu sự khởi đầu của quá trình tiến hóa công nghệ này.
Trong trường hợp của Trung Quốc, CNNC tuyên bố rằng 33 lò phản ứng đang hoạt động hoặc đang được xây dựng sử dụng công nghệ Hualong One. Một số lò phản ứng này nằm ngoài đất nước, chẳng hạn như ở Pakistan. Điều này phản ánh chiến lược của Trung Quốc không chỉ mở rộng năng lực trong nước mà còn xuất khẩu công nghệ tiên tiến.
Nguồn: https://congthuong.vn/trung-quoc-khanh-thanh-lo-phan-ung-dien-hat-nhan-the-he-thu-3-dau-tien-368239.html