Trứng gà hay trứng vịt tốt hơn?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Trần Kim Anh cho biết, trứng là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao và cân bằng dinh dưỡng nhất trong các loại thực phẩm mà từ trẻ em đến phụ nữ mang thai và người già đều ăn được (trừ một số ít dị ứng với trứng).
Theo bảng thành phần dinh dưỡng thực phẩm Việt Nam của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2006 thì trong trứng chứa protein, lipit, gluxit, các chất sắt, canxi, phốt pho, be-ta caroten, vitamin A, B1, B2, PP… (riêng trong trứng lộn còn thêm vitamin C) cần thiết cho cơ thể.
Nếu so sánh thành phần dinh dưỡng trong 100g (trứng gà, vịt và vịt lộn) thì trong trứng vịt lộn có hàm lượng sắt, canxi, phốt pho, beta-caroten, vitamin A, PP cao hơn hẳn trứng gà, và trứng vịt thường. Ví dụ, vitamin A trong trứng gà là 700mcg, trứng vịt thường: 360mcg, vịt lộn: 875mcg; canxi trong trứng gà: 550mg, trứng vịt thường 710mg, vịt lộn 820mg.
Nếu so về năng lượng thì trứng gà 166 Kcal/100g, trứng vịt thường 484 Kcal, vịt lộn 162 Kcal.
Như vậy, về thành phần dinh dưỡng thì cả 3 loại trứng đều bổ và không độc, mọi người đều ăn được kể cả người bị phong tê thấp và rất tốt cho phụ nữ mang thai và sau sinh.
Tuy nhiên, với người có cholesterol cao, béo thì nên hạn chế, chỉ nên dùng 2-3 quả/1 tuần. Chú ý, khi ăn trứng nên ăn cả lòng trắng và lòng đỏ.
Trước kia, một số người cho lòng đỏ trứng là tốt nên thường ăn lòng đỏ và bỏ lòng trắng. Cho rằng lòng trắng khó tiêu là sai lầm vì chính lòng trắng có chất lecithin giúp chuyển hoá cholesterol. Tốt nhất là ăn kèm sữa vì sữa có nhiều lecithin giúp trung hoà cholesterol.
Những điều cần lưu ý khi ăn trứng
Trứng tuy tốt cho sức khoẻ nhưng cần ăn đúng cách. Báo VietNamNet dẫn lời bác sĩ Hà Hải Nam, Giảng viên Bộ môn ung thư, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, khi ăn trứng cần lưu ý những điều dưới đây:
Đối với những người bị sốt (nhất là trẻ em), ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên, không tán phát ra ngoài được, giống như “lửa đổ thêm dầu”, bệnh sốt càng thêm trầm trọng.
Việc chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol khiến trứng cũng được khuyên cần hạn chế với người bị tiểu đường type 2, gan nhiễm mỡ do có thể tăng tích luỹ các chất này trong gan.
Người có tiền sử bệnh sỏi mật, tiêu chảy lưu ý ăn nhiều trứng, hàm lượng đạm cao, sẽ kích thích đường ruột, túi mật co bóp, trong khi hệ thống ruột, túi mật của người bệnh vốn đã yếu sẵn, gây nên tình trạng đau tức bụng, nôn mửa, tiêu chảy nặng thêm.
Khi ăn trứng hạn chế uống trà vì protein của trứng kết hợp với axit tannic của trà sẽ gây khó tiêu, không ăn trứng cùng đậu nành làm giảm hấp thu các chất.
Thói quen ăn trứng lòng đào, trứng sống có thể gây ngộ độc, nôn ói do vỏ trứng chứa các lỗ nhỏ li ti, nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Bạn cũng không nên luộc trứng quá kỹ hoặc ăn trứng luộc để qua đêm.
Nguồn: https://vtcnews.vn/trung-ga-hay-trung-vit-tot-hon-ar912105.html