Trong giai đoạn được đề cập ở trên, nhân loại lấy đi 2.150 tỉ tấn nước từ các bể chứa tự nhiên bên dưới lớp vỏ trái đất. Nếu khối lượng nước tương tự đổ vào các đại dương của địa cầu, mực nước trên toàn thế giới sẽ tăng lên 6 ml.
Báo cáo mới giờ đây phát hiện sự thất thoát khối lượng nước khổng lồ như thế đã dẫn đến tác động lên trục xoay của trái đất, theo trang Space.com hôm 18.6.
Đội ngũ nghiên cứu do nhà địa vật lý học Seo Ki Weon của Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) dẫn đầu đã rút ra kết luận trên bằng cách xây dựng mô hình thay đổi vị trí của trục xoay địa cầu. Trục xoay chính là điểm mà trục tưởng tượng của địa cầu nhô lên khỏi bề mặt nếu nó là vật thể hữu hình.
Vị trí của trục xoay không trùng với hai cực bắc, nam, và có thể thay đổi theo thời gian. Vì thế, trục xoay sẽ di chuyển đến những địa điểm khác nhau trên lớp vỏ trái đất.
Kể từ năm 2016, các nhà khoa học biết được các quy trình liên quan đến khí hậu có thể tác động lên trục xoay, chẳng hạn như việc tan băng và tái phân bổ khối lượng nước từ các sông băng bị tan chảy. Tuy nhiên, phải đợi đến khi các nhà nghiên cứu bổ sung thông tin về nước ngầm bị rút khỏi lòng đất thì các số liệu mới thực sự trùng khớp với những gì đang diễn ra trên thực tế.
“Trục xoay trái đất trên thực tế đã thay đổi rất nhiều”, trưởng nhóm Seo cho biết. Nhóm của ông chứng minh được, trong số những yếu tố liên quan đến khí hậu, yếu tố gây ảnh hưởng mạnh nhất đó là sự tái phân bổ nguồn nước ngầm do tác động của con người.
Do trục nghiêng của địa cầu có thể tác động đến thời tiết theo mua trong năm, các nhà khoa học giờ đây tự hỏi liệu sự thay đổi trục xoay có góp phần vào tình trạng biến đổi khí hậu trong dài hạn hay không.