Vốn là mảnh đất nghèo khó nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, song những năm gần đây Ba Chẽ đã “thay da đổi thịt”.
Bằng chính sức lao động và tư duy đổi mới, người dân nơi đây đang từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần kiến tạo sự đổi thay của huyện miền núi Ba Chẽ.
Với điều kiện tự nhiên trên 90% là rừng và đất rừng, tận dụng lợi thế này, ông Triệu Quý Bảo (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) là người tiên phong trồng cây trà hoa vàng trong xã.
Với diện tích 5ha, ông Bảo trồng trên 1.000 cây trà hoa vàng xen kẽ dưới tán rừng quế, sa mộc… Trà hoa vàng thường cho thu hoạch từ tháng 11 đến hết tháng 2 năm sau.
Bình quân 1 cây trà hoa vàng cho thu từ 1-2kg hoa tươi/năm, tương đương khoảng 1 triệu đồng/cây/năm.
Cây trà hoa vàng có giá bán từ 13-15 triệu đồng/kg hoa sấy khô, hoa tươi thu mua với giá trung bình 150.000 – 200.000 đồng/kg, lá tươi trà hoa vàng cũng được tiêu thụ rộng rãi với giá 50.000 đồng/kg, lá khô là 300.000 – 500.000 đồng/kg.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, mở rộng diện tích trồng trà hoa vàng, nâng cao thu nhập của bà con, từ năm 2021, ông Bảo đã ươm, trồng và cung cấp cây trà hoa vàng giống. Với giá bán 20.000 đồng/cây, việc cung cấp giống cây trà hoa vàng mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình ông.
Ông Triệu Quý Bảo (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) thu hoạch trà hoa vàng.
Ông Bảo chia sẻ: Gia đình tôi chuyên trồng cây quế, cây sa mộc… Trong khi đó, trà hoa vàng là cây ưa bóng râm, có thể trồng dưới tán rừng, chăm sóc dễ dàng.
Do đó, gia đình đã đầu tư trồng trà hoa vàng. Thời gian đầu, cây cho thu hoạch lá. Sau 5 năm, trà cho thu hoạch hoa.
Với giá bán trà hoa vàng ổn định, thị trường tiêu thụ dễ dàng, nhu cầu cao nên giờ đây cây trà hoa vàng đã trở thành cây thoát nghèo của gia đình tôi và nhiều người dân trong xã.
Trừ các chi phí, việc bán hoa, lá và cây giống trà hoa vàng đã mang lại thu nhập cho gia đình từ 200-300 triệu đồng/năm, cuộc sống ổn định, phấn đấu làm giàu.
Ở Ba Chẽ, ngày càng nhiều những người trẻ lựa chọn mảnh đất quê hương để khởi nghiệp. Anh Đàm Văn Triệu (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) là một trong nhiều nông dân trẻ như thế.
Thay vì lựa chọn vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp hoặc đến vùng đất khác làm ăn, chàng thanh niên dân tộc Sán Chỉ nung nấu quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Anh Đàm Văn Triệu (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) chăm sóc đàn gà. Anh nuôi gà thả dưới tán cây trà hoa vàng.
Dưới tán 4.000 cây trà hoa vàng, anh Triệu quyết định chăn nuôi gà. Để mô hình đạt hiệu quả cao, anh đã dày công tìm hiểu kỹ thuật, chăn thả đàn gà tự nhiên trên đồi, chủ động phòng chống dịch bệnh.
Nhờ đó, mỗi năm gia đình anh duy trì chăn nuôi 3 lứa với 1.000 con, đem lại thu nhập 100-200 triệu đồng/năm. Từ mô hình này, gia đình anh Triệu trở thành điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Anh Triệu cho biết: Điều kiện tự nhiên ở Ba Chẽ rất phù hợp mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Việc nuôi gà dưới tán trà hoa vàng rất hiệu quả, bởi cây làm bóng mát cho gà, gà nhặt cỏ, bắt sâu cho cây, thải phân bón cho cây sinh trưởng tốt hơn.
Từ đó, tôi không chỉ tiết kiệm được chi phí thuê nhân công làm cỏ, làm đất, chăm bón cây, mà cây phát triển tốt, cho thu nhập ổn định.
Thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu từng bước triển khai mô hình du lịch sinh thái với trải nghiệm tham quan vườn trà, thưởng thức gà thả đồi và các món ăn đặc trưng của địa phương cho du khách.
Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương, huyện đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ưu tiên phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với trồng dược liệu…
Đặc biệt, huyện tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi.
Đến nay, toàn huyện 3.862 lượt hộ vay vốn tín dụng chính sách với tổng dư nợ 364,4 tỷ đồng để đầu tư các mô hình, như: Trồng cây gỗ lớn, nuôi dúi thương phẩm, ươm cây giống…
Diện mạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt, những ngôi nhà khang trang hiện hữu.
Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 72 triệu đồng/người/năm; huyện không còn hộ nghèo, còn 39 hộ cận nghèo theo tiêu chí của Trung ương; 21 hộ nghèo, 111 hộ cận nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh.