Đến cồn An Thạnh (ấp An Thạnh, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) trong mùa nước nổi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người nông dân đang trầm mình thu hoạch ấu. Dù công việc có phần khó khăn, vất vả nhưng ai cũng phấn khởi vì năm nay ấu có giá hơn so với năm trước.
Gia đình ông Trần Văn Thoại là một trong những nông dân có nhiều năm gắn bó với mô hình trồng ấu. Ông Thoại cho biết, người dân ở đây canh tác chủ yếu là giống củ ấu Đài Loan. Đây là loại cây củ ấu có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, thời gian thu hoạch dài.
Ngoài ra, ấu Đài Loan có phần thịt chắc, ngọt, bùi… nên được thị trường ưa chuộng. Một trong những ưu điểm khác của giống ấu Đài Loan là dễ trồng, ít tốn công chăm sóc.
Trong quá trình canh tác, nông dân chủ yếu bón phân để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển và phòng ngừa ốc tấn công lúc cây còn nhỏ.
Người dân thường xuống giống vào thời điểm tháng 6 (âm lịch), khoảng 2 tháng sau là có thể thu hoạch. Thời điểm này, trùng với con nước từ thượng nguồn đổ về mang theo nhiều phù sa, cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho cây nên người trồng nhẹ công chăm sóc.
Để cây ấu Đài Loan cho năng suất cao, người trồng cần chuẩn bị nguồn giống tốt, không có mầm bệnh hay dị tật.
Được biết, mô hình trồng ấu trên địa bàn xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) hình thành và phát triển từ năm 2005 đến nay.
Thời gian này, địa phương có chủ trương vận động trồng rau màu thay thế cây lúa kém hiệu quả, đồng thời tiến hành nạo vét kênh mương nội đồng.
Thực hiện chủ trương trên, địa phương đã tổ chức các buổi hội thảo nông nghiệp, tham quan học tập kinh nghiệm tại nhiều nơi…
Từ đó, nông dân tiếp cận được nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả, trong đó có mô hình trồng ấu. Thời gian đầu, nông dân chỉ trồng loại ấu sừng, cho năng suất và chất lượng không cao. Hiện nay, người dân canh tác chủ yếu là ấu Đài Loan với năng suất cao và chất lượng tốt hơn.
Do đặc thù về điều kiện tự nhiên, nông dân ấp An Thạnh canh tác 3 loại cây trồng trong 3 vụ. Vụ đông xuân xuống giống lúa, vụ hè thu trồng màu (mè, bắp…) và vụ thu đông tiến hành trồng ấu.
Với những hộ đất lung, trũng, có thể canh tác 2 vụ ấu sau vụ đông xuân. Cách làm này mang lại hiệu quả đáng kể cho bà con nông dân.
Vụ này, gia đình ông Võ Văn Ghe tiếp tục trồng ấu với diện tích hơn 10.000m2. Ông Ghe cho biết, ấu năm nay được giá nên gia đình rất phấn khởi. “Năng suất ấu bình quân khoảng 2 tấn/công (1.000m2).
Hiện nay, ấu được thương lái thu mua với giá 7.000 đồng/kg, cao hơn năm trước 2.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân thu về lợi nhuận 10 – 11 triệu đồng/công. Nhờ canh tác ấu mà nhiều năm qua, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập khi mùa nước nổi về” – ông Ghe chia sẻ.
Cũng theo ông Ghe, trồng ấu tốn nhiều công chăm sóc và thu hoạch hơn các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, loại cây trồng này cho thu nhập cao, không phải lo thời tiết, giá cả ít biến động.
Mặt khác, trồng ấu xong, khi sản xuất vụ lúa đông xuân bón rất ít phân vì có lượng phù sa bồi lắng nhiều, cây lúa ít bị dịch bệnh do cách ly được 1 mùa vụ, mầm bệnh không có điều kiện phát triển.
Bên cạnh nguồn lợi kinh tế từ cây ấu, nông dân còn tận dụng thân và lá của cây ấu để làm phân hữu cơ bón cho ruộng lúa trong những vụ mùa tiếp theo. Nhờ vậy, năng suất lúa vụ đông xuân luôn ở mức cao, chi phí sản xuất giảm đáng kể.
Bên cạnh các hộ canh tác, cây ấu còn giúp cho nhiều người dân có thêm thu nhập từ các nghề “ăn theo” như hái ấu thuê. Công việc tuy có phần vất vả, nhưng cho thu nhập ổn định từ 200.000 – 300.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, nhiều hộ còn thu mua ấu từ nông dân rồi nấu bán lại để kiếm thêm thu nhập. Trên địa bàn xã Hòa Bình có nhiều hộ chuyên mua ấu tươi, phân phối cho tiểu thương các chợ hoặc hộ bán ấu ven đường, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Ấu là một trong những loại cây thủy sinh mà nhiều người dân chọn để trồng nhằm tăng thu nhập trong mùa nước nổi.
Cây ấu Đài Loan có thể sống được quanh năm, nhưng sinh trưởng tốt và cho năng suất cao vào mùa mưa.
Từ sự phát triển của mô hình trồng ấu Đài Loan đã hình thành hệ thống canh tác lúa – màu – ấu hoặc lúa – ấu – ấu, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân trên cùng đơn vị diện tích. Đây là loại cây trồng “sống chung với lũ”, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.