Hồ ông Nguyễn Hải Teo (bìa trái ảnh) bức xúc khi gia đình không được Công ty La San hỗ trợ khi trồng cây gấc như đã cam kết

Thực hiện Dự án (DA) “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý (cây gấc)” tại huyện A Lưới thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025 (Chương trình 1719), thông qua HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quảng Nhâm, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu quý với Công ty La San.

Từ năm 2023 đến nay, nhiều hộ dân đã trồng hoặc san ủi đất đồi, đất vườn nhà, đào hố để trồng cây gấc, thế nhưng, hiện các hộ dân vẫn chưa được Công ty La San hỗ trợ nguồn giống, vật tư như đã cam kết, dẫn đến đất đai bỏ hoang, người tham gia mô hình gặp khó khăn.

Ông Lê Hồng (thôn Pất Đuh, xã Quảng Nhâm) cho biết: Từ năm 2024, được HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quảng Nhâm vận động trồng cây dược liệu quý, hộ gia đình đã bỏ chi phí san ủi đất vườn nhà, đất đồi, rồi đào hố chờ xuống giống với diện tích 1,5ha, chi phí hơn 20 triệu đồng. Thế nhưng, từ đó đến nay không thấy công ty hỗ trợ nguồn giống cùng các vật tư, phân bón để trồng cây.

Theo hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa Công ty La San ký kết với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quảng Nhâm về trồng và tiêu thụ cây dược liệu quý phục vụ DA thuộc Chương trình 1719, công ty cam kết sẽ cung ứng kỹ thuật, giống cây và phân bón; chịu trách nhiệm thường xuyên theo dõi kỹ thuật và thu mua lại sản phẩm cây dược liệu của HTX.

Từ hợp đồng liên kết này, các hộ dân đã hưởng ứng, đăng ký với công ty và triển khai làm đất. Đến nay, có khoảng 20ha đất của các hộ dân trên địa bàn xã đã san ủi, đào hố và chờ xuống giống nhưng phải bỏ không vì công ty không thực hiện cam kết.

Ông Nguyễn Hải Teo, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quảng Nhâm cho biết, chương trình mục tiêu Quốc gia trồng cây dược liệu quý giai đoạn I, ưu tiên triển khai ở 3 xã A Roàng, Hồng Bắc, Quảng Nhâm. Từ khi triển khai liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm, bà con trên địa bàn xã Quảng Nhâm đã tích cực hưởng ứng chuẩn bị hơn 20 ha đất, trong đó có 10 ha đã san ủi, đào hố, theo kiểu ruộng bậc thang.

Riêng đối với ông Nguyễn Hải Teo, Công ty La San đã lựa chọn mô hình làm mẫu với diện tích 3ha. Từ tháng 8/2024, ông Teo được sự hỗ trợ nguồn giống của công ty đã tổ chức xuống giống dưới sự chứng kiến lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, đại diện địa phương và các hộ dân đăng ký trồng cây dược liệu. Sau quá trình trồng khoảng 3 tháng, cây phát triển nhanh cao tới 2m với tỷ lệ sống lên đến 99%. Tuy nhiên, đến thời điểm cây phát triển cao lớn cần có trụ và dây để làm giàn thì công ty không cung ứng các vật tư này theo như cam kết ban đầu. Dù đã đến mùa vụ cho quả nhưng do không có các vật tư dẫn đến cây èo uột và bị chết hàng loạt.

“Trước khi triển khai trồng, theo như lời giới thiệu của công ty, 1ha cây gấc cho thu hoạch khoảng 15 tấn với giá trị khoảng 150 triệu đồng. Với cây trồng lãi cao như vậy cũng như cam kết của công ty, gia đình chúng tôi đã phá bỏ vườn chuối, vay mượn và bỏ ra nguồn vốn hơn 100 triệu đồng để làm đất. Quá trình thiếu trụ và dây làm giàn, tôi đã nhiều lần liên hệ với phía đại diện chi nhánh công ty nhưng đều được hứa là đợi một thời gian nữa. Do công ty không làm đúng thỏa thuận nên đến nay cây gần như chết trắng, thiệt hại quá lớn đối với gia đình chúng tôi. Tôi được biết, số cây dược liệu dự kiến sẽ trồng trên địa bàn xã là 60ha, giờ thế này, các hộ dân không còn tin tưởng phía công ty để tiếp tục triển khai DA nữa”, ông Teo bức xúc.

Phòng NN&PTNT cho biết, theo thông báo của UBND huyện A Lưới thì trên địa bàn sẽ triển khai trồng 5 loại cây dược liệu, nhưng đến thời điểm hiện tại Sở NN&PTNT TP. Huế mới chỉ ban hành văn bản về quy trình hướng dẫn kỹ thuật tạm thời trồng cây gấc.

Bà Lê Thị Thanh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới thông tin: Thực tế mô hình trồng cây dược liệu ở Quảng Nhâm là thỏa thuận hợp tác giữa công ty và HTX, các cá nhân để thí điểm chứ thực tế DA trồng cây dược liệu quý trên địa bàn chưa chính thức hoạt động. Mô hình thí điểm này có giấy tờ ký kết, thỏa thuận hay không phòng cũng chưa nắm được. Huyện cũng có yêu cầu công ty có phương án hỗ trợ các hộ dân trong quá trình chờ các vật tư. Tuy nhiên, phương án hỗ trợ cụ thể như thế nào thì phải chờ công ty làm việc trực tiếp với người dân.

Báo Huế ngày nay sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này khi có thông tin mới.

Tháng 2/2024, UBND huyện A Lưới đã có văn bản gửi Công ty La San về việc đề nghị thực hiện DA. Văn bản nêu rõ, Sở NN&PTNT đã có quyết định về việc ban hành hướng dẫn kỹ thuật tạm thời trồng gấc, để kịp tiến độ thực hiện DA, UBND huyện A Lưới đề nghị Công ty La San hoàn thiện hồ sơ DA chi tiết để UBND huyện phê duyệt; rà soát đối tượng, quy mô diện tích, địa điểm đất trồng cây gấc tại 3 xã A Roàng, Quảng Nhâm và Hồng Bắc. Đồng thời, báo cáo UBND huyện A Lưới bằng văn bản nếu có thực hiện DA trồng cây gấc trong năm 2025 trước ngày 20/2/2025.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN