Nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2023/TT-BTC và Điều 105, 106, 107 Luật Hôn nhân và gia đình thì người nộp thuế đang trợ cấp cho chú thím sẽ được tính giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc.
Bà Diễm Hương ở Bến Tre có người chú ruột (đã ngoài tuổi lao động) và vợ của chú (thím cũng ngoài tuổi lao động) đều không có lương hưu. Vợ chồng chú thím không có con, nên hàng tháng vẫn đang được bà Hương trợ cấp.
Bà Hương băn khoăn không biết có được đăng ký vợ chồng chú thím là người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân của mình không? Nếu được thì hồ sơ thủ tục được thực hiện như thế nào?
Về trường hợp của bà Hương, cơ quan thuế hướng dẫn theo nguyên tắc như sau:
Người nộp thuế có thể đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là chú/thím ruột nếu đáp ứng điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và Điều 106, 107 Luật Hôn nhân và gia đình.
Theo điểm d, Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN, người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh gồm: “các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng”, trong đó có chú ruột.
Người phụ thuộc ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.
Về hồ sơ thủ tục chứng minh người phụ thuộc, cần thực hiện theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 79/2022/TT-BTC ngày 30/12/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành.
Cụ thể hồ sơ cần có: bản chụp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc giấy khai sinh của người phụ thuộc; các giấy tờ hợp pháp để xác định trách nhiệm nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Các giấy tờ hợp pháp có thể là bất kỳ giấy tờ pháp lý nào xác định được mối quan hệ của người nộp thuế với người phụ thuộc, ví dụ: bản chụp giấy tờ xác định nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật (nếu có); bản chụp giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc giấy tờ khác do cơ quan công an cấp); bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm Thông tư số 80/2021/TT-BTC có xác nhận của UBND cấp xã nơi người nộp thuế cư trú về việc người phụ thuộc đang sống cùng; bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm Thông tư số 80/2021/TT-BTC có xác nhận của UBND cấp xã nơi người phụ thuộc đang cư trú về việc người phụ thuộc hiện cư trú tại địa phương và không có ai nuôi dưỡng…
Trường hợp người phụ thuộc trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh rằng người phụ thuộc không có khả năng lao động, chẳng hạn như bản chụp giấy xác nhận khuyết tật theo quy định pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật nặng không có khả năng lao động; bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn…).
Điều 106 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con, anh, chị, em, hoặc còn nhưng những người này không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng. Khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột… Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác…”. |
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tro-cap-hang-thang-cho-chu-thim-co-duoc-tinh-giam-tru-gia-canh-nguoi-phu-thuoc-2372571.html
Bình luận (0)