Đừng để thất thu khoản thuế lớn từ hàng giá trị nhỏ
Tại Tọa đàm “Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT)”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 23/9, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính quốc tế – Học viện Tài chính, lưu ý, đang có sự thất thoát lớn nguồn thu thuế đối với hàng TMĐT giá trị nhỏ lẻ.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2013, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, đến 2023 đạt tới 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
“Từ tháng 1 đến tháng 6/2024, mỗi tháng có từ 1,3-1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới mà không phải đóng thuế. Với 4-5 triệu đơn hàng qua biên giới mỗi ngày, nếu phải đóng thuế thì con số rất lớn. Rõ ràng cơ chế chính sách đang có sự không phù hợp”, ông Thịnh dẫn số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong khi đó, tại nhiều quốc gia đã bỏ quy định miễn thuế đối với hàng giá trị nhỏ.
Liên minh châu Âu từ ngày 1/1/2021 bỏ quy định miễn thuế với hàng hóa có giá trị dưới 22 Euro. Dịch vụ lữ hành các khoản dưới 135 bảng Anh trước đây được miễn thuế, giờ cũng phải đóng.
Hoặc Thái Lan đánh thuế đồng bộ hàng hóa ra vào quốc gia, tất cả đều phải chịu thuế suất 7%, bất kể giá trị nhỏ hay lớn.
“Sửa đổi, hoàn chỉnh cơ chế chính sách là việc cần làm ngay. Cơ chế chính sách phải phù hợp với từng điều kiện cụ thể và theo đúng thông lệ. Năm 2010, theo Quyết định 78 của Chính phủ, chúng ta không thu thuế với khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan khi kiểm tra hải quan.
Nhưng đến giờ đã khác. Trong thời đại kinh tế số, có thể giải quyết các thủ tục nhanh gọn chỉ trong một vài giây, không việc gì phải miễn thuế như vậy nữa”, ông Thịnh khuyến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho hay: Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Giá trị gia tăng, trong đó có báo cáo về việc bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhỏ lẻ.
Sàn TMĐT khai thuế thay cá nhân/hộ kinh doanh
Bà Lan Anh cho hay, Tổng cục Thuế cũng báo cáo Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 123, trong đó đề xuất nội dung liên quan tới quản lý thuế TMĐT.
Cụ thể, các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn có thể ủy quyền cho sàn giao dịch TMĐT kê khai và nộp thuế thay mình. Cơ chế khai thuế, nộp thuế thay này chỉ áp dụng với các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Các nguồn thông tin tham khảo từ Ngân hàng Thế giới (WB) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều cho thấy, để quản lý tốt hoạt động TMĐT, nên để các sàn/nền tảng TMĐT khai thuế và nộp thuế thay cá nhân/hộ kinh doanh, giảm thiểu đầu mối phải kê khai và nộp thuế.
Việc này sẽ giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ của những người nộp thuế có hoạt động kinh doanh TMĐT; giảm thiểu chi phí mà cơ quan thuế phải bỏ ra để giám sát việc tuân thủ của người nộp thuế.
Tháng 3/2021, Hội đồng Liên minh châu Âu quy định nghĩa vụ mới đối với nhà vận hành nền tảng TMĐT chịu trách nhiệm khai nộp thuế hộ người kinh doanh TMĐT trên nền tảng. Quy định này đã giúp người kinh doanh TMĐT yên tâm trong thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.
Một số bang ở Mỹ yêu cầu sàn TMĐT có trách nhiệm khai và nộp thuế thay cho người kinh doanh TMĐT trên sàn (cả trong và ngoài nước).
Đặc biệt, Trung Quốc yêu cầu các sàn TMĐT khai báo thông tin về các hoạt động mua bán thông qua sàn TMĐT trong nước và quốc tế. Chủ sở hữu sàn TMĐT phải lưu trữ các thông tin này trong 3 năm và cung cấp cho các cơ quan thuế Trung Quốc.
Nhiều bộ, ngành phối hợp quản lý thuế TMĐT
Nhiều bộ, ngành đang tích cực phối hợp với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nhằm nâng cao hiệu quả thu thuế TMĐT.
Khoảng một năm nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT.
Trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ online.gov.vn, có dữ liệu khá đầy đủ về các doanh nghiệp sở hữu website TMĐT bán hàng và các sàn giao dịch TMĐT đã thực hiện thủ tục thông báo và đăng ký với Bộ Công Thương.
“Chúng tôi đã chia sẻ với Tổng cục Thuế dữ liệu của hơn 1.000 chủ thể sở hữu nền tảng TMĐT ở dạng website hoặc dạng ứng dụng; tiến tới sẽ chia sẻ dữ liệu của khoảng 50.000 chủ thể sở hữu website TMĐT bán hàng”, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thông tin.
Còn ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết cơ quan này vừa cung cấp cho Tổng cục Thuế thông tin về 14 tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động quảng cáo xuyên biên giới; 24 tổ chức, cá nhân kinh doanh có hoạt động với các tổ chức nước ngoài về quảng cáo số xuyên biên giới; 6 doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp các dịch vụ phát thanh, truyền hình, truyền hình trả tiền từ nước ngoài.
“Chúng tôi cũng đã đối soát dữ liệu của 86 doanh nghiệp viễn thông về các số liệu hoạt động viễn thông, cơ sở dữ liệu tên miền .vn có hoạt động thương mại điện tử”, ông Tuấn nói.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/trieu-don-hang-qua-bien-gioi-moi-ngay-khong-thu-duoc-dong-thue-nao-2325147.html