Ngành kinh doanh bán buôn, bán lẻ Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, Bộ TT-TT đã phê duyệt chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số.
Kết nối giải pháp công nghệ
Chiều 13-9, gần 200 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận Phú Nhuận đã tham gia hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số và triển khai thí điểm khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng thương mại điện tử và chuyển đổi số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên địa bàn quận Phú Nhuận. Hội nghị do Sở TT-TT TPHCM và UBND quận Phú Nhuận phối hợp tổ chức, dưới sự chủ trì của Bộ TT-TT và UBND TPHCM.
Tại hội nghị, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ TT-TT cho biết, hiện tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ ở Việt Nam mới đạt khoảng 8%, trong khi trung bình thế giới là 19,4%. Đặc biệt, một số quốc gia như Trung Quốc là 43%, Anh 35%, Hàn Quốc 28%, Mỹ 26%.
Dù đạt mức tăng trưởng ấn tượng 25% liên tục nhiều năm, quy mô thị trường đứng thứ ba Đông Nam Á, song ngành bán buôn bán lẻ nước ta còn đối mặt với nguy cơ bị thương mại điện tử nước ngoài xâm chiếm, an ninh hàng hóa, tài chính gặp nhiều rủi ro.
Từ kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn Việt Nam, Bộ TT-TT đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số. Bộ đã chọn quận Phú Nhuận, TPHCM là nơi triển khai thí điểm hoạt động chính của chương trình trước khi tổng kết phổ cập toàn thành phố và toàn quốc.
Tại hội nghị, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ đã giới thiệu một số giải pháp quản lý, như quản lý nhà hàng toàn diện, phù hợp với mọi loại hình F&B (kinh doanh ẩm thực) và đơn vị kinh doanh lưu trú…
Quận Phú Nhuận thí điểm cho cả nước
Trong vòng 1 tháng, quận Phú Nhuận sẽ khảo sát 2.000 đơn vị, cung cấp các thông tin đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp bán buôn bán lẻ trên địa bàn. Từ đó có kết nối giữa các doanh nghiệp bán buôn bán lẻ với các giải pháp công nghệ, cùng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng đánh giá, số liệu từ khảo sát, đánh giá này sẽ không chỉ có ý nghĩa trước mắt, mà còn mang tính định hướng phát triển kinh tế số lâu dài của TPHCM. Thành phố đã xác định một trong những công việc quan trọng trong phát triển kinh tế số là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.
Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Đỗ Đăng Ái mong muốn các đơn vị cung cấp giải pháp sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn một cách hiệu quả nhất. Bởi đa số tiểu thương ở chợ truyền thống hạn chế tiếp cận công nghệ.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long, một trong những điều rất đáng lo hiện nay, là thương mại điện tử nước ngoài sẵn sàng tràn vào chiếm lĩnh thị trường trong nước. Nếu chúng ta không hành động, dần dần sẽ mất thị trường. Trong khi đó, Việt Nam có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống. Toàn bộ hoạt động bán buôn và bán lẻ đóng góp 9,83% vào GDP năm 2023, cho thấy tầm quan trọng của ngành này trong phát triển kinh tế và tạo việc làm cho quốc gia. Do vậy, việc hỗ trợ chuyển đổi số cho lĩnh vực bán buôn bán lẻ là rất cần thiết.
Mục tiêu chính của chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số:
· Lựa chọn và huy động được các nền tảng số xuất sắc tham gia chương trình với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh.
. 100% doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh, bán lẻ trên toàn quốc được tiếp cận, tham gia khảo sát, đánh giá mức độ chuyển đổi số.
. 100% các đơn vị đã tham gia khảo sát, đánh giá mức độ chuyển đổi số trên toàn quốc được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số.
· Tạo lập, cập nhật cơ sở dữ liệu về chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh, bán buôn, bán lẻ trên phạm vi toàn quốc.
MAI HOA
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/trien-khai-ho-tro-cua-hang-ban-le-o-tphcm-chuyen-doi-so-post758766.html