Gần 70% nhân viên tòa soạn từ nhiều nền tảng và tổ chức khác nhau được khảo sát vào tháng 12 năm ngoái cho biết họ đang sử dụng công nghệ này để tạo các bài đăng, bản tin và tiêu đề trên mạng xã hội; dịch thuật và ghi chép các cuộc phỏng vấn, cùng nhiều mục đích sử dụng khác. 20% số người cho biết họ đã sử dụng AI tạo sinh (GenAI) cho các bài báo đa phương tiện, bao gồm đồ họa và video.
Aimee Rinehart cho biết: “Những người làm báo luôn cập nhật về vấn đề này, điều này là tốt vì công nghệ này đã thay đổi đáng kể cách các nhà báo và tòa soạn tiếp cận công việc của họ và chúng tôi cần mọi người giúp chúng tôi tìm ra công nghệ mới cho ngành”, đồng tác giả và giám đốc sản phẩm cấp cao về chiến lược AI tại AP chia sẻ.
Đại diện từ các tổ chức báo chí truyền thống, đài truyền hình và tạp chí nằm trong số 292 người được khảo sát, chủ yếu có trụ sở tại Mỹ hoặc châu Âu; hơn 30% số người trả lời đến từ các tòa soạn có hơn 100 biên tập viên.
Ernest Kung, đồng tác giả và giám đốc sản phẩm AI cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu sâu về AI trong mạng lưới báo chí để lựa chọn người tham gia cuộc khảo sát và không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết những người tham gia cuộc khảo sát đều quen thuộc với AI tạo sinh ở một dạng nào đó”.
Bên cạnh những lợi ích trong việc ứng dụng AI vào báo chí, thì vẫn còn đó những lo lắng lớn về vấn đề đạo đức nghề nghiệp. AP nhận thấy chưa đến một nửa số người được hỏi có quy tắc sử dụng AI trong tòa soạn, trong khi khoảng 60% biết về một số quy tắc sử dụng AI tạo sinh.
Nghiên cứu cũng cho thấy một số điểm nổi bật khác. Cụ thể, 54% cho biết họ “có thể” cho phép các công ty AI đào tạo mô hình bằng nội dung của họ. 49% cho biết quy trình làm việc của họ đã thay đổi nhờ AI. 56% cho rằng việc tạo ra toàn bộ nội dung bằng AI nên bị cấm. Chỉ 7% số người trả lời lo lắng về việc AI sẽ thay thế công việc báo chí.
Ngoài ra, 18% cho biết việc thiếu đào tạo là một thách thức lớn đối với việc sử dụng AI có đạo đức. Một người trả lời cho biết: “Đào tạo rất thú vị, nhưng thời gian dành cho đào tạo không phải là thời gian dành cho báo chí – và một tổ chức nhỏ không đủ khả năng để làm điều đó”.
Rinehart nói: “Một điều rõ ràng từ nghiên cứu này: Cần có nhiều nghiên cứu hơn về AI và các tòa soạn, đặc biệt là tìm ra các quy trình AI có tính thực tế và hiệu quả trong tòa soạn”.
Hoàng Hải (theo AP, Poynter)