(CLO) Thẩm mỹ trang phục cung đình với những điển chế nghiêm ngặt đã lan tỏa, giao thoa với thẩm mỹ dân gian để tạo nên những dấu ấn riêng biệt trên chiếc áo dài Huế, điều không dễ tìm thấy ở những vùng miền khác.
Ngày 23/11, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức may và mặc áo dài Huế”.
Theo các nguồn sử liệu, năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Chiếc áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa.
Trải qua chiều dài lịch sử hơn 300 năm, các thế hệ nghệ nhân xứ Huế đã tích lũy nhiều tri thức may, mặc áo dài, được biểu tượng hóa rõ nét hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội.
Bước vào thời kỳ hiện đại, áo dài Huế vẫn được nhiều đối tượng sử dụng, phổ biến nhất là học sinh, sinh viên, viên chức, lớp người trung niên, cao niên, chị em làm nghề buôn bán nhỏ ở các cửa hiệu, chợ…
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế so với các vùng miền khác trong cả nước là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là Kinh đô của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam – nơi mà thẩm mỹ trang phục cung đình nhà Nguyễn với những điển chế nghiêm ngặt đã lan tỏa, giao thoa với thẩm mỹ dân gian để tạo nên những dấu ấn riêng biệt trên chiếc áo dài.
Ở xứ Huế, chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ nghi, hội hè và cả trong đời thường ở vùng đất Cố đô. Đó còn là nguồn cảm hứng bất tận đi vào thơ, ca, nhạc, họa, trở thành biểu tượng của người phụ nữ Huế.
Đàn ông Huế cũng thường sử dụng áo dài trong các hoạt động quan trọng như lễ cưới hỏi, giỗ chạp, cúng tế đình miếu, du xuân, ngày lễ, dịp tết… Mặc áo dài tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong, người phụ nữ duyên dáng, đoan trang.
Ông Hải cho hay, các hiệu may đo áo dài Huế chủ yếu phân bố tập trung tại các vùng Gia Hội – Chợ Dinh, Kim Long, Vĩ Dạ, Phủ Cam… Đây là những vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, dân cư tập trung đông đúc và nơi sinh sống của các gia đình, dòng họ có truyền thống may đo áo dài Huế.
Ngày nay, truyền thống may, mặc áo dài được nâng lên, tô điểm thêm bởi những nhà thiết kế, nhà may áo dài Huế nổi tiếng. Các khâu kỹ thuật cắt, may, luồn tà, làm nút đều được các nghệ nhân, người thợ may áo dài chăm chút thận trọng. Chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế.
Áo dài Huế là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực dệt, may, thêu, hội họa, thiết kế, thời trang, đích thực là một sản phẩm văn hóa, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hoá để phục vụ du lịch.
Huế cũng là địa phương đầu tiên của Việt Nam tổ chức một lễ hội để tôn vinh vẻ đẹp của áo dài khi từ năm 2002, lễ hội áo dài được tổ chức trong kỳ Festival Huế. Từ đó đến nay, liên tục và đều đặn các lễ hội áo dài được tổ chức không chỉ trong các kỳ festival.
Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đề án “Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam” với nhiều nội dung phong phú. Đây là cơ sở pháp lý cho việc triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định thương hiệu áo dài Huế.
Khánh Ngọc
Nguồn: https://www.congluan.vn/tri-thuc-may-va-mac-ao-dai-hue-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post322592.html