Đa phần các trẻ mắc đều chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều, nhiều trẻ mắc ho gà dưới 2 tháng tuổi, trước tuổi có chỉ định tiêm chủng…
Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 2 tháng trở lại đây, bệnh viện này đã khám và nhập viện điều trị cho 13 trường hợp trẻ bị mắc bệnh ho gà với các biểu hiện là xuất hiện ho cơn liên tục trong nhiều tuần, sốt, tím tái, kiệt sức, mệt mỏi, chán ăn,…
Ảnh minh họa. |
Đa phần các trẻ mắc đều chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều, nhiều trẻ mắc ho gà dưới 2 tháng tuổi, trước tuổi có chỉ định tiêm chủng (theo lịch tiêm chủng, trẻ tiêm vắc-xin ho gà mũi 1 lúc đủ 2 tháng tuổi).
Đây là bệnh gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tử vong cao với các trẻ dưới 3 tháng tuổi. Đa phần các trẻ mắc đều chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều, nhiều trẻ mắc ho gà dưới 2 tháng tuổi.
Theo các bác sĩ, do trẻ dưới 3 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm chủng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đủ liều vắc-xin ho gà nên nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Mặt khác, bản thân trẻ không có miễn dịch hoặc không nhận được miễn dịch từ cơ thể mẹ do trước đó sản phụ chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh này. Điều lo ngại nữa là trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà tiến triển nặng lên rất nhanh. Trẻ càng ít tháng mắc ho gà thì tỷ lệ tử vong càng cao.
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis xâm nhập vào đường hô hấp. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi của người bệnh khi hắt hơi, ho.
Các triệu chứng của bệnh ho gà thường xuất hiện trong vòng 5-7 ngày sau khi phơi nhiễm, nhưng đôi khi thời kỳ ủ bệnh kéo dài 3 tuần. Bệnh thường khởi phát bởi triệu chứng giống như cảm lạnh, có những cơn ho nhẹ, sau đó trẻ bắt đầu ho nhiều hơn và chảy nước mũi và có thể có sốt nhẹ. Sau 1-2 tuần, bắt đầu ho nhiều hơn.
Không giống như cảm lạnh, ho gà có biểu hiện một loạt các cơn ho liên tục trong nhiều tuần. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, bệnh trở nên nặng hơn, gây ho nặng hơn, xuất hiện nhiều đờm dãi.
Ho kéo dài dẫn tới việc trẻ nôn ọe, không ăn được, mệt mỏi, chảy nước mắt, nước mũi, kiệt sức. Cơn ho dai dẳng khiến cho trẻ đỏ bừng mặt hay tím tái cả người, vì vậy, có thể bị suy hô hấp, tử vong do nghẹt thở.
Cần lưu ý là ở trẻ sơ sinh, ho rất ít xuất hiện hoặc thậm chí không ho nhưng có thể có hiện tượng ngừng thở tạm thời trong một thời gian ngắn.
Vì vậy, ho gà là bệnh nguy hiểm nhất đối với trẻ nhỏ. Do ho dai dẳng, kéo dài làm cho trẻ bị kiệt sức, nhất là ở trẻ sơ sinh bởi sức đề kháng còn yếu chưa đủ để chống lại bệnh.
Bệnh thường gây ra tình trạng thiếu ôxy cho cơ thể dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, thiếu ôxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Các bác sĩ Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khuyến cáo người dân, ho gà rất dễ lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp trong cộng đồng nên bên cạnh việc tiêm phòng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, người dân cũng cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp khác:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà. Đặc biệt, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, để phòng chống bệnh ho gà, tiêm vắc-xin là quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Để chủ động phòng chống, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch: Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi. Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng. Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng. Mũi thứ 4: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Đối với trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ.
Để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh uốn ván – bạch hầu – ho gà (Tdap) trong thời gian mang thai.
Song song với đó, cần thực hiện tốt các biện pháp khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.
Các bậc phụ huynh cần phân biệt ho gà và ho thông thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Khi nghi ngờ mắc bệnh ho gà hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh như: Có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài; ăn kém, nôn chớ nhiều; ngủ ít; thở nhanh/khó thở, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, xác định căn nguyên và hỗ trợ điều trị sớm.
Nguồn: https://baodautu.vn/tre-nhap-vien-hang-loat-do-bien-chung-ho-ga-d218737.html