Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhi 6 tuần tuổi mắc ho gà – đây là bệnh nhân mắc ho gà đầu tiên tại Hà Nội trong năm 2023. Cụ thể, ca bệnh đầu tiên mắc ho gà trong năm là bé gái 6 tuần tuổi (trú tại Đan Phượng, Hà Nội). Bé gái bắt đầu khởi phát bệnh vào ngày 10/11 với triệu chứng ho, không sốt, không nôn. Đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé được chẩn đoán viêm phế quản và kê đơn thuốc điều trị tại nhà.
Điều trị 3 ngày nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm, gia đình đưa trẻ đi khám tại Bệnh viện Phương Đông, bé được kê đơn thuốc về nhà điều trị tiếp.
Tuy nhiên đến ngày 16/11, bệnh nhi này lại có biểu hiện ho nhiều về đêm, bú kém, cơn ho kéo dài khoảng 10 phút, SpO2 tụt 89% (không thở oxy), có cơn tím tái mặt. Ngay lập tức, bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở oxy mặt nạ 5 lít/phút, họng đỏ, mũi nề. Ca bệnh được xét nghiệm PCR ho gà cho kết quả dương tính..
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Ho gà có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, viêm não. Thậm chí có thể dẫn đến các biến chứng cơ học như lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi. Do vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.”
Với bệnh ho gà, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 6 đến 20 ngày (trung bình khoảng 9 đến 10 ngày), ở thời kỳ này thường không có triệu chứng. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở rít vào. Nếu được hỗ trợ điều trị và chăm sóc đúng cách, thường bắt đầu từ tuần thứ 4 kể từ khi phát bệnh, các triệu chứng của bệnh ho gà sẽ được cải thiện và dần biến mất hoàn toàn.
Bệnh có khả năng lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh rất cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trường học. Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng đến phổi, viêm phế quản, nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Hiện nay, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh ho gà vẫn là tiêm vắc xin. Những trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, tiêm chủng muộn cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó để phòng bệnh ho gà hiệu quả. Trẻ nên thực hiện tiêm vắc xin có thành phần ho gà như DPT để phòng bệnh: Mũi 1 khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi 2 khi trẻ 3 tháng tuổi; mũi 3 khi trẻ 4 tháng tuổi và mũi 4 khi trẻ đủ 18 tháng – 24 tháng.
Tuy nhiên, vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều địa phương hiện đã không còn, kể cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM.
Do có sự thay đổi về cơ chế mua vắc xin, Bộ Y tế đã khẩn trương đặt hàng với các nhà sản xuất trong nước để đảm bảo cung ứng trong năm 2023. Bộ đang tiến hành các thủ tục tiếp theo để có thể tiếp nhận được vắc xin sớm nhất từ nhà sản xuất.
PV