“Con ồn ào thì đưa con về”
Muôn vàn câu chuyện người thật việc thật về việc trẻ la hét, ồn ào quá mức được bạn đọc tường thuật trong các bình luận cho thấy đây là điều rất phổ biến:
– Tôi kinh doanh khách sạn. Tình trạng hay gặp là phụ huynh kệ con cái chạy nhảy la hét ở hành lang, gõ cửa phòng khác, bấm thang máy đi lên đi xuống. Thậm chí còn có cái cảnh bố mẹ đóng cửa ở trong phòng, con ở ngoài làm gì thì làm. Thật ngán ngẩm!
– Lúc dịch COVID-19 mới chớm, trường học đóng cửa, đồng nghiệp tôi không kịp gửi con, đem đứa con nhỏ theo đến công ty. Vào thang máy, đứa nhỏ bấm hết tất cả các nút trên bảng điều khiển. Bà mẹ để mặc. Từ tầng 1 đến tầng 20, mỗi tầng thang máy lại dừng dù không ai ra hay vào.
– Mình là kiểu người sao cũng được và không vấn đề gì, nhưng dạo gần đây đi cà phê thấy trẻ con trèo lên bàn hú hét thật sự khó chịu quá trời luôn.
Phần đông ý kiến đều đồng tình rằng không thể lấy câu “Trẻ con mà” để làm cái cớ cho sự ồn ào của trẻ nhỏ nơi công cộng.
“Trẻ con như một tờ giấy trắng, uốn nắn dạy dỗ là trách nhiệm và bổn phận của bậc cha mẹ, sau đó là môi trường học đường”, một bạn đọc nêu quan điểm.
Tài khoản Diệu Hương còn thẳng thắn trích dẫn: “Trẻ con mà, chúng có biết gì đâu là câu nói thể hiện sự giáo dục thất bại của bậc phụ huynh”.
Nhiều bạn đọc lại bày tỏ sự không đồng tình với ý kiến của bạn đọc Nguyễn Ngọc Ẩn: “Trẻ em còn nhỏ chưa hình thành nhân cách. Nếu có la rầy thì các em chỉ im lặng được một lúc thôi. Bản tính của con nít là hiếu động. Từ 14-15 tuổi trở lên các bé sẽ tự hiểu và thay đổi thôi”.
Tài khoản andynguyen phản bác: “Tôi nghĩ người lớn ca hát ồn ào làm phiền hàng xóm có lẽ hồi nhỏ cũng được ba mẹ cho thoải mái làm phiền người khác.
Làm gì có chuyện tự thay đổi được nếu không được dạy bảo. Trẻ con 6 tuổi trở lên đã hình thành tính cách, sau này rất khó để thay đổi. Nên trẻ con làm sai thì lỗi chính là của người lớn. Người lớn có suy nghĩ như bạn nên xung quanh mới ồn ào như hiện tại”.
Văn minh của trẻ bắt đầu từ người lớn
Bạn đọc đưa ra giải pháp cho câu chuyện trẻ ồn ào nhưng tất cả đều xuất phát từ việc cha mẹ phải uốn nắn, dạy bảo trẻ hằng ngày. Chính bản thân cha mẹ phải là tấm gương cho con.
Tài khoản Nguyễn Giang bình luận: “Cha mẹ văn minh và có ý thức thì sẽ dạy lại con văn minh. Ngược lại, cha mẹ chưa có được ý thức văn minh thì sao hiểu được rằng việc dạy con cư xử văn minh nơi công cộng là cần thiết, và uốn nắn con hằng ngày”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc trẻ con hiếu động là bình thường và trẻ thành phố thiệt thòi vì thiếu sân chơi: “Sẽ có giai đoạn trẻ sẽ cắn đồ, giai đoạn trẻ cầm nắm và ném đồ vật, giai đoạn trẻ thích tạo âm thanh để nghe. Nên có núm vú giả cho trẻ cắn, có banh nhựa và gấu bông cho trẻ chơi…
Ở bên mình thiếu sân chơi và công viên an toàn cho các bé tự do chạy nhảy vui đùa. Đổ lỗi cho bé cũng không hay. Ở thành phố thì buồn thật, mà ở trọ thì bốn bức tường. Không gian không còn như ngày xưa. Tuy nhiên, đừng so tiếng hét của trẻ với loa kẹo kéo. Có đến mức đó đâu”.
Không phản đối quan điểm “trẻ em hiếu động nên ồn ào”, nhưng nhiều bạn đọc lại nêu ra cách hành xử của bản thân để con được ồn ào đúng nơi, đúng chỗ, và hiểu được chuyện gì sẽ xảy ra khi con ồn ào ở nơi không phù hợp.
– Trẻ con cần môi trường để phát triển tự do. Chính vì vậy phụ huynh cần chọn môi trường phù hợp để đưa con đến, chứ không phải vin vào cớ đó rồi mặc kệ con la hét nơi công cộng.
– Tôi cũng có hai thằng siêu quậy nhưng cũng thuộc phe dạy con văn minh từ nhỏ. Nếu con mình không dạy nổi thì cho ở nhà. Đừng gây ảnh hưởng đến người khác.
– Tôi theo phe không la hét. Dù khó nhưng luôn nhắc nhở hai con nói nhỏ đủ nghe khi ở nơi công cộng.
– Các bé nên được giáo dục từ nhỏ. Con mình 3 tuổi, tuy vẫn còn phải nhắc nhở nhưng bé hiểu và nghe lời.
– Lúc con tôi cỡ 5-6 tháng tuổi, đi ăn nhà hàng mà nó đói nó khóc, chồng tôi phải ẵm ra xe ngồi đợi tôi trả tiền xong rồi về nhà cho lẹ. Lúc nào cũng nhắc con không được ồn ào hay chạy nhảy lung tung nếu đó không phải là khu vui chơi.
Nhiều bạn đọc cũng cùng quan điểm rằng họ cũng rất thông cảm với sự hiếu động của trẻ em, không quá khắt khe với trẻ. Nhưng điều đáng nói là nhiều bậc cha mẹ làm ngơ, bỏ mặc khi con mình làm phiền người khác hoặc chính họ cũng gây ồn ào không kém.
“Thậm chí có cha mẹ cho em nhỏ vừa ăn sáng vừa xem TikTok. Rồi cháu ăn chậm thì quát nạt làm ồn ào cả quán ăn”, tài khoản Nguyễn Thanh Lịch bình luận.