Ba sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ đợt này gồm:
Trung tá Nguyễn Sỹ Hiếu, nguyên giảng viên Bộ môn Vũ khí hàng không, Khoa Kỹ thuật hàng không, Học viện Phòng không – Không quân, được cử đi làm nhiệm vụ Quan sát viên quân sự ở phái bộ MINUSCA (CH Trung Phi).
Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Loan, nguyên giảng viên Bộ môn Tin học, Khoa Tin học – Ngoại ngữ, Học viện Lục quân, được cử đi làm nhiệm vụ Sĩ quan Tham mưu Hậu cần tại phái bộ UNISFA (khu vực Abyei).
Thượng úy Nguyễn Tiến Long, nguyên Trợ lý Ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng 4, Quân chủng Hải quân, được cử đi làm nhiệm vụ Quan sát viên quân sự tại phái bộ UNMISS (Nam Sudan).
Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) cho biết, để làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng thay thế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ động tuyển chọn cán bộ đảm bảo đáp ứng về năng lực, trình độ quân sự, kiến thức gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, có trình độ ngoại ngữ và sức khỏe tốt.
Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đang tích cực làm công tác chuẩn bị để triển khai thêm một vị trí làm việc tại Trụ sở Liên Hợp Quốc và cử nhân sự ứng tuyển vào vị trí Chỉ huy trưởng Lực lượng Quân cảnh tại Phái bộ Cộng hòa Trung Phi theo thư mời của Liên Hợp Quốc.
Giao nhiệm vụ cho 3 sĩ quan, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, được cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là niềm vinh dự không chỉ của mỗi cá nhân mà còn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các khu vực mà quân nhân Việt Nam được triển khai đều là địa bàn xa xôi, khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
10 năm Việt Nam tham gia hoạt động nhân đạo đặc biệt này, các sĩ quan làm nhiệm vụ ở vị trí cá nhân đã khẳng định được bản lĩnh, ý chí, trình độ năng lực của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt đồng nghiệp và bạn bè quốc tế.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến yêu cầu, ngay sau khi tới phái bộ nhận nhiệm vụ, 3 sĩ quan cần nhanh chóng nắm bắt tình hình địa bàn, bắt tay ngay vào công việc, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác nghiên cứu, nâng cao khả năng phân tích, tham mưu, dự báo tình hình.
Các sĩ quan cần quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Quân đội; chấp hành nghiêm kỷ luật của QĐND Việt Nam, quy định của Liên Hợp Quốc, pháp luật nước sở tại, các quy định đảm bảo an ninh, an toàn về người và vũ khí, trang bị; luôn luôn đảm bảo tác phong quân nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục duy trì, phát triển và đổi mới để có sự đột phá trong công tác chăm lo tạo nguồn, chuẩn bị lực lượng thay thế đối với các vị trí cá nhân nói riêng và các đội hình cấp đơn vị nói chung trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Thay mặt các sĩ quan nhận nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Sỹ Hiếu khẳng định, các sĩ quan sẽ luôn đoàn kết, chủ động hợp tác với đồng nghiệp, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Liên Hợp Quốc và Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao.
Tại địa bàn phái bộ, các quân nhân sẽ chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, quy định về an ninh, an toàn của Liên Hợp Quốc cũng như luật pháp, văn hóa nước sở tại; tăng cường truyền thông, tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã cử 799 lượt cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng Quân đội và Công an triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị tại 3 phái bộ và Trụ sở Liên Hợp Quốc (trong đó có 792 lượt cán bộ Quân đội và 7 lượt cán bộ Công an).
Năm 2024, đánh dấu tròn 10 năm Việt Nam triển khai lực lượng tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Bốn sĩ quan Quân đội đầu tiên được Chủ tịch nước cử đi gìn giữ hòa bình năm 2024