Giải có sự tham gia của 60 đội ghe ngo, trong đó Sóc Trăng có 48 đội gồm 45 đội nam và 3 đội nữ, còn Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang có 12 đội (8 đội nam và 4 đội nữ).
Trưa 14/11, giải đua ghe ngo trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 6 và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất, năm 2024 đã chính thức khai mạc tại phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Khởi – Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo là một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Đây là lễ hội được tỉnh duy trì tổ chức hằng năm, nhằm tạo sinh khí vui tươi, đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em của các địa phương trong vùng, qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Tại lễ khai mạc, ban tổ chức đã trao cờ lưu niệm và hỗ trợ mỗi đội ghe tham gia đua 30 triệu đồng.
Sau lễ khai mạc, các đội ghe ngo lần lượt bước vào các trận đấu vòng bảng trong sự cổ vũ nồng nhiệt của hàng chục ngàn khán giả.
Một số hình ảnh ghi nhận tại giải đua ghe ngo lớn nhất miền Tây:
Clip ghi nhận không khí sôi nổi tại giải.
Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng gắn liền với lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Khmer. Đây là sự phản ánh về khát vọng cuộc sống bình an, phồn thịnh thông qua việc khấn cầu vị thần Mặt Trăng và tổ chức đua ghe.
Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng còn đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng, góp phần giáo dục về sự đoàn kết, tinh thần kỷ luật và rèn luyện khả năng chịu đựng giúp con người phát triển toàn diện về cả đức lẫn tài.
Ghe ngo có hình dạng giống rắn Naga trong Hindu giáo, có chiều dài khoảng từ 25-30m, rộng nhất khoảng 1,1m.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tranh-tai-soi-noi-tai-giai-dua-ghe-ngo-lon-nhat-mien-tay-19224110621042712.htm