Rác thải dệt may là vấn đề cấp bách toàn cầu, với chỉ 12% được tái chế trên toàn thế giới, theo Quỹ phi lợi nhuận Ellen MacArthur về tính bền vững của thời trang. Thậm chí chỉ 1% quần áo cũ được tái chế thành đồ mới, phần lớn được sử dụng cho các mặt hàng giá trị thấp như vật liệu cách nhiệt hoặc đệm.
Không nơi nào vấn đề này cấp bách hơn ở Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất thế giới, nơi có hơn 26 triệu tấn quần áo bị vứt bỏ mỗi năm, theo số liệu thống kê của chính quyền. Phần lớn trong số đó kết thúc ở bãi rác.
Tại Công ty Dệt may Thiên Thành Ôn Châu ở tỉnh Chiết Giang, một trong những nhà máy tái chế bông lớn nhất Trung Quốc, hai đống quần áo cotton và khăn trải giường bỏ đi chất đống trên sàn phòng làm việc để sẵn sàng đưa vào máy cắt nhỏ để tái chế.
Những nhà máy như thế này hầu như không tạo được dấu ấn nào ở một quốc gia mà ngành công nghiệp may mặc bị chi phối bởi “thời trang nhanh” – quần áo giá rẻ làm từ chất tổng hợp không thể tái chế, không phải cotton. Được sản xuất từ các chất hóa dầu góp phần gây ra biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và nước, chất tổng hợp chiếm 70% doanh số bán quần áo trong nước tại Trung Quốc.
Các sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Shein và Temu đã biến quốc gia này trở thành một trong những nhà sản xuất thời trang giá rẻ lớn nhất thế giới, bán tại hơn 150 quốc gia.
Theo chính quyền Trung Quốc, chỉ có khoảng 20% hàng dệt may của Trung Quốc được tái chế, và hầu hết trong số đó là cotton.
Tại Trung Quốc, bông tái chế từ quần áo đã qua sử dụng bị cấm sử dụng để sản xuất quần áo mới nhằm xóa bỏ các hoạt động tái chế vật liệu bẩn hoặc bị ô nhiễm. Nhưng giờ đây, những cuộn sợi cotton khổng lồ được dệt chặt như dây thừng được sản xuất từ quần áo đã qua sử dụng chỉ có thể được bán để xuất khẩu, chủ yếu là sang châu Âu.
Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc không muốn mua đồ đã qua sử dụng, giám đốc bán hàng của nhà máy Ôn Châu, Kowen Tang, cho rằng nguyên nhân là do thu nhập hộ gia đình ngày càng tăng. “Họ muốn mua quần áo mới, đồ mới”, ông nói về sự kỳ thị liên quan đến việc mua đồ cũ.
Tuy nhiên, trong giới trẻ Trung Quốc, nhận thức ngày càng tăng về tính bền vững đã góp phần vào sự xuất hiện của các doanh nghiệp quần áo “tái chế” mới nổi.
Nhà thiết kế 30 tuổi Da Bao đã thành lập Times Remake vào năm 2019, một thương hiệu có trụ sở tại Thượng Hải chuyên lấy quần áo cũ và may lại thành trang phục mới. Tại phòng làm việc của công ty ở Thượng Hải, thợ may làm việc với quần denim và áo nỉ cũ, khâu chúng thành những kiểu thời trang mới lạ.
Một nhãn hiệu thời trang khác tên Reclothing Bank cũng chuyên bán quần áo, túi xách và các phụ kiện khác làm từ các vật liệu như chai nhựa, lưới đánh cá và bao bột mì.
Zhang Na, người sở hữu thương hiệu Reclothing Bank, cho biết cô thành lập công ty vào năm 2010 để “mang lại sức sống mới cho những thứ cũ”. Zhang cho biết mình đã ý thức được về tính bền vững kể từ khi mở cửa hàng, với khách hàng chủ chốt ở độ tuổi 20 và 30.
Bao Yang, một sinh viên đại học ghé qua cửa hàng trong chuyến thăm Thượng Hải, cho biết cô rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những bộ quần áo đó. “Tôi nghe nói rằng nhiều bộ quần áo thực chất được làm từ vỏ sò hoặc vỏ ngô, nhưng khi chạm vào chúng, tôi hoàn toàn không biết rằng chúng sẽ mang lại cảm giác thoải mái đến vậy”, cô nói.
Tuy nhiên, cô thừa nhận rằng việc mua quần áo bền vững là một việc khó vì những người ở độ tuổi cô nghiện thời trang nhanh hơn hoặc không nghĩ đến tính bền vững của quần áo. Quần áo tái chế được bán tại các cửa hàng như Reclothing Bank cũng có giá cao hơn nhiều so với các thương hiệu thời trang nhanh do phương pháp sản xuất tốn kém.
Đó chính là vấn đề thực sự, Sheng Lu, giáo sư nghiên cứu thời trang và trang phục tại Đại học Delaware, cho biết. “Các nghiên cứu liên tục chỉ ra rằng người tiêu dùng không muốn trả nhiều tiền hơn cho quần áo làm từ vật liệu tái chế, thay vào đó, họ thực sự mong đợi mức giá thấp hơn vì họ coi những loại quần áo như vậy là làm từ đồ cũ”, ông nói.
Với chi phí cao hơn trong việc mua, phân loại và xử lý quần áo đã qua sử dụng, ông không thấy thời trang bền vững có thể thành công trên diện rộng ở Trung Quốc, nơi quần áo có giá thành sản xuất rất rẻ.
Ngọc Ánh (theo AP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/trung-quoc-tran-ngap-rac-thai-det-may-do-thoi-trang-nhanh-len-ngoi-post302927.html