Cơn bão Daniel và trận lụt nó tạo ra là thảm họa môi trường nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại của Libya. Nhiều năm chiến tranh và thiếu một chính quyền trung ương đã khiến cơ sở hạ tầng ở đất nước Bắc Phi này đổ nát, dễ bị tổn thương trước những cơn mưa dữ dội. Theo Liên hợp quốc, Libya hiện là quốc gia duy nhất chưa phát triển chiến lược khí hậu.
Quốc gia Bắc Phi này đã bị chia cắt giữa các chính quyền đối địch và bị bao vây bởi xung đột dân quân kể từ khi cuộc chính biến “Mùa xuân Ả Rập” do NATO hậu thuẫn lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi vào năm 2011.
Thành phố cảng Derna ở phía đông đất nước bị tàn phá nặng nề nhất: nhiều tòa nhà ven sông biến mất và bị cuốn trôi sau khi hai con đập vỡ. Các video cho thấy nước tràn qua các tòa nhà còn lại của Derna và nhiều ô tô bị lật, sau đó, các thi thể xếp hàng trên vỉa hè được phủ chăn chờ chôn cất. Người dân cho biết dấu hiệu nguy hiểm duy nhất là tiếng nứt lớn của đập mà không có hệ thống cảnh báo hay kế hoạch sơ tán.
Hai Chính phủ, hai Thủ tướng
Kể từ năm 2014. Libya đã bị chia rẽ giữa hai chính quyền đối địch, mỗi chính quyền đều được hỗ trợ bởi các nhà bảo trợ quốc tế và nhiều lực lượng dân quân vũ trang trên thực địa.
Tại Tripoli, Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah đứng đầu chính phủ được Liên hợp quốc công nhận của Libya. Tại Benghazi, Thủ tướng Ossama Hamad đứng đầu Chính quyền phía Đông, được hỗ trợ bởi chỉ huy quân sự đầy quyền lực Khalifa Belqasim Haftar.
Cả chính quyền Tripoli và chính quyền phía Đông đều cam kết riêng sẽ hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhưng họ chưa có hồ sơ hợp tác thành công.
Các nghị viện đối địch trong nhiều năm đã không tìm được tiếng nói chung để thống nhất lại bất chấp áp lực quốc tế, bao gồm cả cuộc bầu cử theo kế hoạch vào năm 2021 nhưng chưa bao giờ được tổ chức. Sự nhúng tay của các cường quốc khu vực và thế giới đã làm sâu sắc thêm những chia rẽ.
Gần đây nhất là vào năm 2020, hai bên đã tiến hành một cuộc chiến tổng lực. Lực lượng miền Đông của Haftar đã bao vây Tripoli trong một chiến dịch quân sự thất bại kéo dài một năm nhằm cố gắng chiếm thủ đô, khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Sau đó vào năm 2022, cựu lãnh đạo miền Đông Fathi Basagah đã cố gắng đưa chính phủ của mình về Tripoli trước khi các cuộc đụng độ đẫm máu với các lực lượng dân quân đối thủ buộc ông phải rút lui.
Trở lại với những diễn biến của trận lũ lụt lịch sử vừa xảy ra tại Libya, hiện UAE, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ trên mặt đất. Nhưng tính đến thứ Ba, các hoạt động cứu hộ đang gặp khó khăn để tiếp cận thành phố Derna.
Tiến sĩ Claudia Gazzini, nhà phân tích cấp cao về Libya tại Trung tâm Nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế (ICG) International Crisis Group, cho biết vấn đề một phần là về mặt hậu cần khi nhiều tuyến đường vào thành phố cảng đã bị bão cắt đứt. Nhưng xung đột chính trị cũng đóng một vai trò.
Bà Gazzini cho biết: “Những nỗ lực quốc tế gửi đội cứu hộ phải thông qua chính quyền tại Tripoli”. Điều đó có nghĩa là quyền cho phép viện trợ vào những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất thuộc về một phe đối địch, trong khi con đường để UAE hay Ai Cập lại đang được Tripoli xem như những thế lực ủng hộ Chính quyền miền Đông và Tướng Khalifa Belqasim Haftar.
Tình trạng bất ổn và bất mãn ngày càng gia tăng
Lũ lụt kéo theo một chuỗi dài các vấn đề nảy sinh từ tình trạng vô pháp luật của đất nước. Tháng trước, các cuộc biểu tình đã nổ ra khắp Libya sau khi có tin tức về cuộc gặp bí mật giữa Ngoại trưởng Libya, Abdul Hamid Dbeibeh và người đồng cấp bên phía Israel. Các cuộc biểu tình biến thành phong trào kêu gọi ông Dbeibeh từ chức.
Đầu tháng 8, giao tranh lẻ tẻ đã nổ ra giữa hai lực lượng dân quân đối địch ở thủ đô, khiến ít nhất 45 người thiệt mạng, một lời nhắc nhở về tầm ảnh hưởng của các nhóm vũ trang bất hảo đang hoành hành trên khắp Libya.
Libya đã trở thành điểm trung chuyển chính cho những người di cư Trung Đông và châu Phi chạy trốn xung đột và nghèo đói để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở châu Âu. Dân quân và những kẻ buôn người đã được hưởng lợi từ sự bất ổn ở Libya, đưa lậu người di cư qua biên giới từ 6 quốc gia, bao gồm Ai Cập, Algeria và Sudan.
Trong khi đó, trữ lượng dầu mỏ dồi dào của Libya hầu như không giúp ích được gì cho người dân nước này. Việc sản xuất dầu thô, mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Libya, đã có lúc chậm lại ở mức nhỏ giọt do lệnh phong tỏa và các mối đe dọa an ninh đối với các công ty. Việc phân bổ doanh thu từ dầu mỏ đã trở thành một điểm bất đồng quan trọng.
Không có “Mùa Xuân Ả Rập”
Phần lớn Derna được xây dựng khi Libya bị Ý chiếm đóng vào nửa đầu thế kỷ 20. Thành phố này trở nên nổi tiếng với những ngôi nhà màu trắng tuyệt đẹp bên bờ biển và những khu vườn cọ.
Nhưng sau khi Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, nơi đây đã trở thành trung tâm của các nhóm Hồi giáo cực đoan, và sau đó hứng chịu nhiều thiệt hại trong các cuộc giao tranh, bị bao vây bởi các lực lượng trung thành với Haftar. Thành phố cuối cùng bị lực lượng của Haftar chiếm là vào năm 2019.
Giống như các thành phố khác ở Đông Libya, Derna không được xây dựng lại hay đầu tư nhiều kể từ sau “Mùa Xuân Ả Rập”. Hầu hết cơ sở hạ tầng hiện đại ở đây được xây dựng từ thời Gaddafi, trong đó có đập Wadi Derna vừa bị vỡ, do một công ty Nam Tư xây dựng vào giữa những năm 1970.
Theo Tiến sĩ Jalel Harchaoui, chuyên gia về Libya tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia có trụ sở tại London, Haftar nhìn Derna và người dân ở đó với sự nghi ngờ, đồng thời không muốn cho phép thành phố này có quá nhiều độc lập.
Ví dụ, năm ngoái, một kế hoạch tái thiết quy mô lớn cho Derna được thực hiện bởi những chuyên gia đến từ Benghazi và những nơi khác, chứ không phải người địa phương.
Điều đó đã góp phần khiến bi kịch xảy ra và có thể còn kéo dài tại Derna, nơi thiệt hại nặng nề nhất sau trận lụt lũ lịch sử vừa rồi. “Thật đáng tiếc, sự ngờ vực này có thể sẽ còn gây ra tai họa trong giai đoạn hậu thảm họa sắp tới”, tiến sĩ Harchaoui nhận định.
Quang Anh