20 năm gắn bó với trạm Đăn
Cách trung tâm Vườn quốc gia Cúc Phương 15km, Trạm bảo vệ rừng số 1 (hay còn gọi trạm Đăn) nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng.
Anh Đỗ Tiến Dũng (SN 1969), Trạm trưởng trạm Đăn cho biết, anh đã công tác ở đây hơn 20 năm nay. Trong suốt thời gian ấy, cán bộ trạm như anh phải sinh hoạt trong cảnh “3 không”: không điện, không sóng điện thoại, không mạng internet.
“Ngày đầu tiên tôi nhận công tác ở trạm có 6 cán bộ, được giao quản lý, bảo vệ hơn 7.000ha rừng. Địa bàn rộng, việc quản lý, bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn khi lực lượng ít, ở vùng sâu, vùng xa nên việc liên lạc thông tin với bên ngoài càng khó khăn hơn”, anh Dũng cho hay.
Theo anh Dũng, hiện nay mức độ xâm hại tài nguyên rừng ở đây không còn, an ninh rừng được đảm bảo, những người coi rừng như các anh chủ yếu giám sát các hoạt động của khách du lịch để khách không tác động đến môi trường.
“Làm nghề gì thì cũng có sự vất vả của nó. Anh em kiểm lâm chúng tôi cũng có vất vả riêng khi suốt ngày trong rừng đi tuần. Thế nhưng làm lâu cũng thành quen, một ngày không vào rừng lại nhớ”, anh Dũng chia sẻ.
Theo những cán bộ đang làm việc ở đây, do không có điện nên việc bảo quản thức ăn gặp khó khăn, chủ yếu phải dùng đồ khô, hoặc mua thực phẩm về thì chỉ sử dụng trong ngày. Vào ngày nắng nóng không có quạt anh em thường ra suối ngồi cho mát, việc nấu nướng chủ yếu dùng bếp củi hoặc bếp ga.
Anh Dũng chia sẻ, trước đây trạm Đăn có sử dụng điện năng lượng mặt trời để thắp sáng nhưng cũng không đủ, được một thời gian thì hỏng. Hiện nay, trạm được hỗ trợ một máy phát điện với 2 lít xăng/ngày. Tuy nhiên, chỉ đến tối lúc ăn cơm mọi người mới dám bật máy, chạy được khoảng 2 giờ là hết, mọi thứ lại trở về với bóng đêm.
Không điện, không sóng điện thoại, không mạng internet nên các kiểm lâm viên nơi đây không thể nắm bắt các thông tin thời sự hằng ngày.
Gia đình là điểm tựa
Phần lớn cán bộ kiểm lâm đều công tác xa nhà, xa gia đình, vợ con nên việc thông tin liên lạc với gia đình từ xa là vô cùng quan trọng. Trong điều kiện “3 không” ở trạm Đăn, việc liên lạc có phần khó khăn hơn.
“Trong mọi trường hợp, dù ở nơi đâu chúng tôi đều có cách khắc phục về thông tin liên lạc. Chúng tôi cho gia đình, người thân số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp ở những nơi có sóng để khi có công việc thì liên hệ qua đó rồi mọi người vào báo tin cho anh em trạm”, anh Dũng nói.
Anh Phạm Phi Long (SN 1994, quê Hòa Bình) cho biết, anh mới lập gia đình, con còn nhỏ. Nhiều khi nhớ vợ, thương con nên có việc gì ra trung tâm thì anh cũng tranh thủ gọi điện về nói chuyện với vợ con.
“Khi cưới vợ, tôi xin đơn vị cho nghỉ 3 ngày về lo việc. Công việc xong xuôi là tôi lên đơn vị công tác luôn. Tuần nào được nghỉ, tôi tranh thủ về quê thăm vợ con 1 ngày”, anh Long tâm sự.
Anh Bùi Văn Hải cũng chia sẻ: “Công tác xa nhà nên anh em kiểm lâm rất thiệt thòi, việc chăm sóc con cái, gia đình đều phải nhờ vợ. Đôi lúc vợ chồng xa cách nhau bởi vì không quan tâm kịp thời, gia đình có việc, con ốm đau cũng đành chịu không thể về được”.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, trạm Đăn là trạm đặc biệt khi không điện, không sóng điện thoại, không internet, không gần dân cư. Thông tin liên lạc và đi lại khó khăn, địa bàn rộng lớn nhưng những năm qua an ninh rừng ở vùng lõi luôn được đảm bảo.
Vườn quốc gia Cúc Phương có diện tích 22.200ha, nằm ở 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình với hệ động thực vật phong phú, đa dạng mang đặc trưng của vùng mưa nhiệt đới. Cúc Phương cũng là vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam và 4 năm liên tiếp (2019-2022) được vinh danh là vườn Quốc gia hàng đầu châu Á.
Trần Nghị