“Nhân ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) và tới đây là ngày kỷ niệm 11 năm Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013, chúng ta không được quên tinh thần thượng tôn Hiến pháp và luôn luôn nhớ trăm điều của Hiến pháp “có thần linh pháp quyền”.
Ngày 9/11 là ngày Pháp luật Việt Nam. Cách đây 78 năm, vào ngày 11/9/1946 bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo xây dựng đã được Quốc hội Khoá I nhất trí thông qua.
Việc lấy ngày 9/11 làm Ngày Pháp luật Việt Nam là rất đúng đắn, thể hiện tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Sinh thời, khi còn hoạt động cách mạng để giành độc lập cho Dân tộc, Bác Hồ đã từng “cầu cho Hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Ước mong của Bác, tư tưởng của Bác đã được thể hiện tuyệt vời trong bản Hiến pháp năm 1946 làm nền tảng cho các bản Hiến pháp sau này.
Quán triệt tư tưởng của Người, kế thừa các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992, với nhiệm vụ thể chế hoá Cương lĩnh của Đảng, ý chí của Nhân dân, Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp chúng tôi cùng các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan nỗ lực nghiên cứu, lấy ý kiến Nhân dân cả nước, giúp Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch, dưới sự lãnh đạo của BCHTW Đảng, Bộ Chính trị mà trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội khoá XIII thông qua bản Hiến pháp năm 2013.
Đây là bản Hiến pháp của thời kỳ phát triển mới của đất nước. Hiến pháp năm 2013 gồm 120 điều, mỗi điều đều “có thần linh pháp quyền”. Thần linh pháp quyền, tinh thần thượng tôn Hiến pháp được thể hiện rõ nhất và mạnh mẽ nhất trong các quy định:
– Hiến pháp là Luật cơ bản của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.
– Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.
– Các tổ chức của Đảng và Đảng viên, các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước, các tổ chức, cá nhân đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
– Ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng.
– Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp.
– Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định.
****
Trong những ngày gần đây, nghe Tổng Bí thư Tô Lâm, các Lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước, các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và người dân phát biểu, thảo luận, trao đổi ý kiến về các vấn đề liên quan đến Hiến pháp và pháp luật và thể chế nói chung, tôi lại cảm nhận được tinh thần Hiến pháp sống động như trong những tháng, ngày nghiên cứu, biên tập và thảo luận sôi nổi Dự thảo Hiến pháp năm 2013.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp vào sáng ngày 7/11 vừa qua. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Có thể nói, trong thời gian qua nhìn chung, Hiến pháp được tôn trọng và tuân thủ nghiêm chỉnh. Trên cơ sở các quy định và tinh thần của Hiến pháp, đất nước ta đã phát triển không ngừng, đạt được những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh, đối ngoại, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân…, tạo ra cơ hội to lớn và vững chắc để chuẩn bị bước sang Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn có những văn bản của cơ quan nhà nước, những hành vi, những việc làm của các tổ chức, cá nhân cần phải được xem xét một cách nghiêm túc trong tương quan với tính hợp Hiến.
Trong khi đó, bên cạnh cơ chế bảo vệ Hiến pháp phân tán hiện nay, chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ Hiến pháp chuyên trách, tập trung. Có những tình huống áp dụng quy định của Hiến pháp phát sinh cách hiểu khác nhau hoặc tranh luận về tính hợp Hiến của dự án luật trình Quốc hội, nhưng các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và Đại biểu Quốc hội chưa sử dụng quyền của mình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp để hiểu thống nhất.
Trong một số trường hợp, các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, Bộ Tư pháp thẩm định tính hợp Hiến còn đơn giản, hình thức, cho đúng thủ tục.
****
Mới đây nhất là cuộc tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quy định của Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), cụ thể là phân quyền về dự án đầu tư công mà thực chất là vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước có liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp hay không?
Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội có thẩm quyền quyết định ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương trong đó có vốn đầu tư công.
Sau giải trình của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đại biểu Quốc hội tuy thấy không tán thành nhưng dường như cũng không muốn hoặc không biết kích hoạt quy trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định có liên quan của Hiến pháp.
Tình huống tới đây có thể xảy ra là nếu Quốc hội thông qua quy định đó của dự án Luật, thì tính hợp Hiến vẫn tiếp tục được đặt ra vì theo yêu cầu bảo vệ Hiến pháp, các văn bản pháp luật kể cả luật của Quốc hội phải được thường xuyên rà soát, đánh giá về sự phù hợp với Hiến pháp.
Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 và tới đây đánh dấu 11 năm Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013 (28/11/2013 – 28/11/2024) nhắc nhở chúng ta không được quên tinh thần thượng tôn Hiến pháp và luôn luôn nhớ trăm điều của Hiến pháp “có thần linh pháp quyền”.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/tram-dieu-phai-co-than-linh-phap-quyen-2340601.html