Nhiều ngày qua, hình ảnh 2 chú voi bị xích chân ở vườn thú Hà Nội (công viên Thủ Lệ) thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Thậm chí có hẳn một phong trào vận động xin chữ ký để “giải cứu” 2 cá thể voi về với môi trường tự nhiên.
Gần đây nhất, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) có văn bản gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất phương án đưa 2 cá thể voi ở vườn thú Hà Nội về vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk).
Về rừng, voi sẽ hú, rống
Animals Asia cho rằng, phương án tối ưu nhất là chuyển 2 con voi này về rừng tự nhiên tại vườn quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk) nơi đang thực hiện bảo tồn voi. Tổ chức này sẵn sàng tài trợ chi phí vận chuyển, nếu đề xuất được chấp thuận.
“Hai con voi trong giai đoạn cuối đời, chúng có quyền được chăm sóc và sống ở môi trường bán hoang dã hoặc tự nhiên”, Animals Asia nêu quan điểm.
Ông David Neale, Giám đốc Phúc lợi toàn cầu của Tổ chức Động vật châu Á cho biết, việc phải sống trong cảnh xiềng xích ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của hai cá thể voi.
Nếu được đưa về Yok Đôn, Thái và Banang (tên hai con voi) sẽ được chăm sóc bởi những chuyên gia có rất nhiều kinh nghiệm, được chăm sóc y tế, dinh dưỡng.
Trước phản hồi của vườn thú Hà Nội về việc di chuyển 2 cá thể voi về với môi trường tự nhiên là bất khả thi, đại diện Tổ chức Động vật châu Á bày tỏ quan điểm ngược lại.
“Chúng tôi đã chứng minh được nhiều cá thể voi bị nuôi nhốt lâu năm khi được đưa về môi trường tự nhiên chúng bộc lộ những hành vi tự nhiên như hú, rống… Những hành vi mà trước đây chưa bao giờ chúng thể hiện khi bị nuôi nhốt”, ông David Neale dẫn chứng.
Trong số 14 cá thể voi ở Yok Đôn có cá thể voi H’khun, năm nay là 67 tuổi. Chú voi này được đưa về rừng ở Yok Đôn từ năm 2018 và hiện nay đang tham gia chương trình du lịch thân thiện với voi của vườn quốc gia Yok Đôn.
Ngoài H’khun có 3 cá thể voi trên 50 tuổi và 3 cá thể voi trên 40 tuổi đang sinh sống khỏe mạnh trong rừng của vườn quốc gia.
Vị giám đốc này cũng cho rằng, khi được đưa về vườn quốc gia Yok Đôn luôn có nài voi (người chăm sóc) quan tâm, dẫn đường để voi không bị bỡ ngỡ ở môi trường mới và đi lạc vào khu dân cư.
Khi về với môi trường bán hoang dã, voi được ghép đàn để cùng nhau khám phá, kiếm ăn, bơi lội trong các khu rừng ở vườn quốc gia Yok Đôn, dưới sự giám sát của các nhân viên và chuyên gia của tổ chức.
Tại đây, các cá thể voi sẽ dần làm quen với nhau, ban đầu từ xa trước khi tiếp xúc gần hơn để tiến tới ghép đôi, ghép đàn, đảm bảo đúng tập tính sinh sống của voi.
Giám đốc Phúc lợi toàn cầu Animals Asia cũng cho biết, nhiều vườn thú trên thế giới đã quyết định không tiếp tục nuôi voi nữa và chuyển voi về môi trường bán tự nhiên. Đặc biệt các vườn thú được xây dựng trong đô thị có nhiều hạn chế về diện tích và cơ sở vật chất.
Nhiều bất đồng với vườn thú Hà Nội
Dưới góc độ là một chuyên gia về phúc lợi động vật, ông David Neale không thể ngồi yên khi chứng kiến cách đối xử của vườn thú Hà Nội đối với hai con voi Thái và Banang.
Ông cho biết, từ năm 2014, tổ chức Động vật châu Á đã nhiều lần hỗ trợ và hợp tác với vườn thú Hà Nội. Đáng buồn thay, những khuyến nghị và hỗ trợ của Animals Asia chỉ được vườn thú Hà Nội lắng nghe rất ít ỏi. Vì vậy, hai bên đã chấm dứt hợp tác từ năm 2018.
“Chúng tôi đã cử chuyên gia về phúc lợi động vật đến để giúp đỡ, trong đó có những chuyên gia người Hà Lan ở đây đến 6 tháng. Chúng tôi cố gắng tư vấn, giúp đỡ xây dựng để làm giàu môi trường sống khác biệt cho hai con voi này, để cho chúng khỏe mạnh và vận động tốt hơn, thế nhưng nó cũng không được áp dụng”, vị này dẫn chứng.
Để cho voi tự do đi lại, Animals Asia đã hỗ trợ và thiết kế hàng rào điện cho vườn thú Hà Nội. Hàng rào điện cho voi biết ranh giới của mình ở đâu để chúng không đến quá gần với khách tham quan, đồng thời tạo được khoảng không gian di chuyển riêng cho nó. Tuy vậy, việc bảo trì của vườn thú cũng không được duy trì.
Chuyên gia về phúc lợi động vật chia sẻ thêm, khác với Thái Lan, Ấn Độ hay Myanmar, có số lượng voi lên đến hàng nghìn con, ở Việt Nam số lượng voi còn rất ít ỏi. Do vậy, cần phải có phương án bảo tồn loài voi trước nguy cơ tuyệt chủng.
Vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần cấp tốc xây dựng một hành lang trong tự nhiên để đưa những đàn voi đang bị chia cắt ở các vùng khác nhau có thể tìm đến và sinh sống. Khi ấy, việc bảo tồn động vật hoang dã mới thực sự đạt hiệu quả cao.