(Dân trí) – Theo bản đề án vừa gửi tới Thủ tướng, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được phấn đấu để đưa vào khai thác giai đoạn 1 trước năm 2030. Việc đầu tư xây dựng phải bảo vệ khu dự trữ sinh quyển.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, vừa ký trình Thủ tướng Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo đó, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được phấn đấu để đưa vào khai thác giai đoạn 1 trước năm 2030.
Theo bản đề án vừa gửi tới Thủ tướng, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được bổ sung vào quy hoạch cảng biển TPHCM và định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2030. Giai đoạn đầu tư dự án được thực hiện giai đoạn 2023-2025; cảng được xây dựng trong giai đoạn 2025-2027; Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được khai thác kể từ năm 2028.
Phối cảnh Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ trong tương lai (Ảnh: Portcoast).
Hạ tầng giao thông kết nối Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2030. Sau đó, thành phố sẽ có phương án cấp điện, nước, thông tin liên lạc, công trình phụ trợ phục vụ cảng, hạ tầng dịch vụ sau cảng.
Về nguồn vốn, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu công trình phụ trợ, trung tâm dịch vụ logistics, khu vực phi thuế quan sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác trên cơ sở hạn chế tối đa vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.
UBND TPHCM cho biết, vị trí cảng đề xuất là khu vực cù lao Con Chó, ở cửa sông Cái Mép, thuộc huyện Cần Giờ. Diện tích tự nhiên tại khu vực này khoảng hơn 86ha, thuộc vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Vị trí dự kiến xây dựng Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Portcoast).
Đây là khu vực bao quanh vùng lõi, góp phần hạn chế tác động của con người giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học của vùng lõi; các hoạt động phát triển kinh tế, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên được phép triển khai.
Vị trí cảng tiếp giáp luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải, cách khu bến cảng Cái Mép đang khai thác ở phía bờ đối diện khoảng 1km. Các bến cảng tại Cái Mép đã hoạt động từ nhiều năm nay, khai thác ổn định, an toàn hàng hải, không tác động đến môi trường.
Đồng thời, TPHCM cũng nghiên cứu việc trồng rừng thay thế với diện tích bằng 3 lần diện tích rừng được sử dụng làm Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (Ảnh: P.N.).
Tư vấn lập đề án cũng đã thu thập số liệu, tính toán, sử dụng mô hình toán mô phỏng chế độ thủy động lực học để nghiên cứu, đánh giá tác động xói lở đường bờ, bồi lắng lòng sông và khu vực lân cận trong đó có Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ. Kết quả mô phỏng cho thấy khu vực xã đảo Thạnh An và khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, cùng khu vực lân cận đều không bị tác động bởi hiện tượng xói lở đường bờ do xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai.
UBND TPHCM cũng nhấn mạnh quan điểm, việc đầu tư xây dựng cảng phải đảm bảo các yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
UBND TPHCM cho biết, khi đi vào hoạt động (giai đoạn hoàn thiện), Cảng quốc tế Cần Giờ sẽ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước khoảng từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm, ước tính tạo ra việc làm cho 6.000-8.000 lao động.