(Dân trí) – Sự kiện Mây thơm ngang đời – Di sản Trà và Văn hóa đã diễn ra tại TPHCM nhằm kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 10, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
“Mây thơm ngang đời” – Kết nối người trẻ với Di sản Trà và văn hóa
Trang phục của người Việt mang một giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc, phản ánh được nhiều đặc trưng. Nằm trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra chương trình biểu diễn cổ phục “Theo sợi chỉ vàng”, giới thiệu đến người xem vẻ đẹp của các bộ cổ phục Việt qua nhiều thời kỳ.
Chương trình biểu diễn chia thành 3 chương với trang phục: Lý – Trần, Lê Trung Hưng, Nguyễn với khoảng 30 tạo hình, khắc họa chân thật trang phục truyền thống qua các thời kỳ với hy vọng nối liền sợi chỉ vàng tinh hoa vẫn đang tuôn chảy của văn hóa Việt.
Áo Nhật bình là triều phục dành cho hậu, phi, cung tần và công chúa thời Nguyễn. Áo có cổ chữ nhật to bản, hai vạt buộc dây tạo hình chữ nhật trước ngực, từ đó có tên gọi Nhật bình. Thân áo được trang trí lộng lẫy với hoa văn tròn như phụng ổ, hoa lá, chữ Phúc, Thọ, đính kim tuyến. Hoa văn được sắp xếp tinh tế, thể hiện cấp bậc và vai vế của người mặc.
Tham gia biểu diễn trang phục thời Lý – Trần với áo yếm trắng ở trong, hai áo giao lĩnh và thêm áo đối khâm bên ngoài, chị Nguyễn Phúc Hoàng Anh chia sẻ: ”Bản thân tôi vô cùng tự hào khi được mặc lên người trang phục truyền thống của dân tộc, góp phần nhỏ trong việc quảng bá văn hóa dân tộc đối với những người trẻ khác”.
Hình ảnh một nữ cường trong trang phục võ sĩ được lấy cảm hứng từ truyện thơ của cụ Đồ Chiểu và những nữ anh hùng tài sắc vẹn toàn xuất hiện xuyên suốt trong lịch sử nước Việt.
Áo giao lĩnh được may rộng rãi, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân áo dài chấm gót.
Áo ngũ thân đã từng trở thành Quốc phục không thể thiếu của triều đại nhà Nguyễn. Trang phục gồm hai khổ vải được may nối nhau thành thân trước theo phong cách kín đáo. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu: cha mẹ mình và cha mẹ người thương, thân áo thứ năm đại diện cho người mặc. Áo luôn có năm cúc, thể hiện đạo lý làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Áo thời nhà Lê với phần cổ áo kín và đính đá quanh cổ, đặc biệt phần đai áo có các dải búp sen thả dài xuống váy chồng lớp lên nhau với các màu vải ngũ sắc bắt mắt.
Giáp trụ thời xưa của Việt Nam.
Khép lại chương trình biểu diễn trang phục bằng một điệu múa đặc sắc, chị Lê Kim Thủy cho biết bản thân vô cùng tự hào khi được đảm nhận vị trí quan trọng này. ”Bản thân mình là một người trẻ nên mình luôn mong muốn truyền tải những thông điệp tích cực về văn hóa của dân tộc đến với những người trẻ khác, vì văn hóa chính là cội nguồn của mỗi người con đất Việt”, chị Thủy chia sẻ.
Khán giả chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các bộ cổ phục Việt Nam. Mỗi bộ trang phục không chỉ đơn thuần là trang phục, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật sống động, phản ánh lịch sử và văn hóa của dân tộc.
Bên cạnh đó, chương trình còn có không gian trải nghiệm các loại hình văn hóa thư pháp, pha trà…, mở ra cho khách tham quan cơ hội tiếp cận gần hơn với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Là một người tâm huyết nghiên cứu về trà và văn hóa dùng trà, anh Trần Công Danh – Chi hội trưởng Chi hội kết nối Di sản văn hóa trà Việt – Hội Di sản văn hóa TPHCM bày tỏ mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa uống trà của người Việt.
Ông Danh cho biết: ”Di sản văn hóa từng bị xem là xưa cũ, nhưng ngày nay cách tiếp cận đã đổi mới. Thông qua việc đồng điệu với giới trẻ, đội ngũ hiện tại đã dùng di sản và văn hóa làm cầu nối, khơi dậy sự tò mò và tạo nên mối quan tâm sâu sắc, gắn kết hơn với truyền thống. Sự kiện Mây thơm ngang đời – Di sản Trà và Văn hóa thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia là một dấu hiệu rất tốt cho việc kết nối người trẻ với những giá trị văn hóa dân tộc”.
Bên cạnh đó, 10 gian hàng trong hội chợ sẽ mở ra cho khách tham quan những trải nghiệm gần gũi về câu chuyện văn hóa thông qua trưng bày giới thiệu về những sản phẩm kỹ nghệ và ứng dụng văn hóa. Anh Lưu Trọng Nhân, ban tổ chức chương trình cho biết: ”Tất cả những sản phẩm trưng bày không phải là những hiện vật cổ xưa, mà là những sản phẩm được tạo nên từ góc nhìn, sự sáng tạo của những người trẻ. Từ những chất liệu, nguồn cảm hứng từ văn hóa dân tộc, các bạn trẻ góp phần làm cho sức sống văn hóa dân tộc ngày càng mãnh liệt”.
Các mô hình chiến binh với giáp trụ chế tác thủ công tỉ mỉ, được tham khảo từ nhiều cứ liệu lịch sử (hiện vật khảo cổ khai quật được, tranh, tượng, phù điêu…). Theo anh Khang Văn (áo đen), đại diện nhóm Vi Cự Việt Nhân, hiện thú chơi mô hình chiến binh Việt vẫn còn khá lạ lẫm, gần như chỉ thu hút khách hàng từ nước ngoài.
”Gần đây đã có nhiều bạn trẻ tìm hiểu về những mô hình này hơn, mình rất vui vì điều đó cho thấy các bạn đang quan tâm nhiều hơn đến văn hóa của dân tộc”, anh Khang chia sẻ.
Mô hình Thái úy Lý Thường Kiệt với giáp phục tinh xảo, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham dự.
Mây thơm ngang đời – Di sản Trà và Văn hóa không chỉ là một sự kiện, mà là một hành trình gợi nhớ và lưu giữ di sản văn hóa của dân tộc. Những giá trị ấy không chỉ hiện diện trong từng hiện vật, từng giai điệu âm nhạc, mà còn len lỏi trong cảm xúc của mỗi người tham dự.
Hành trình kết nối quá khứ và hiện tại qua sự kiện đã tạo nên một dấu ấn đẹp đẽ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đồng thời lan tỏa thông điệp: giữ gìn di sản không chỉ là lưu giữ những giá trị xưa, mà còn là nuôi dưỡng tinh thần văn hóa để truyền trao cho thế hệ mai sau.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/tphcm-ket-noi-gioi-tre-voi-di-san-van-hoa-qua-su-kien-may-thom-ngang-doi-20241124233015840.htm