(Dân trí) – Với quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt, khu vực ngoại thành được xem là cấu phần quan trọng trong mô hình đa trung tâm mà TPHCM đang hướng tới với hàng loạt dự án lớn và định hướng phát triển mới.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch chung của địa phương, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi từng lấy hình ảnh “vết dầu loang”, “tấm da beo” khi quan sát diện mạo thành phố từ trên máy bay trực thăng. Thực trạng này đặt ra yêu cầu tái cấu trúc lại đất đai để phát huy tối đa hiệu quả mọi nguồn lực đang có.
“TPHCM nhận thấy đây là tiềm năng rất lớn để khai thác, phát triển quỹ đất vừa cấu trúc lại mô hình đô thị đa trung tâm”, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ với phóng viên sau chuyến bay khảo sát.
Với việc quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt, địa phương đã có cơ sở để giải bài toán nan giải trên. Ngoài việc đưa ra những định hướng về phát triển không gian đô thị, bản quy hoạch mới còn là cơ sở để TPHCM tái cơ cấu nền kinh tế, hình thành những công trình, dự án vươn tầm khu vực và quốc tế.
Với bản quy hoạch này, các quận nội thành TPHCM đóng vai trò là hạt nhân, đầu não, giữ động lực tăng trưởng cho toàn địa bàn gắn với cực tăng trưởng mới là TP Thủ Đức. Khu vực ngoại thành được sắp xếp lại, đẩy mạnh đô thị hóa, hình thành các đô thị vệ tinh kiểu mới, hỗ trợ cho sự phát triển của khu trung tâm.
Mô hình làng trong phố, phố trong làng
Trong quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt, mô hình đô thị đa trung tâm chính thức trở thành hướng đi của thành phố trong tương lai gần.
Các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ được yêu cầu phấn đấu để cơ bản đạt tiêu chuẩn nâng cấp lên thành phố. Khu vực ngoại thành được xem là những cấu phần quan trọng trong mô hình đa trung tâm mà TPHCM đang hướng tới.
Từ nay đến năm 2030, TPHCM tiếp tục tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã dựa trên các tiêu chí về diện tích và dân số. Mô hình đô thị, nông thôn tại ngoại thành được phát triển theo định hướng “làng trong phố, phố trong làng”, kết hợp giữa bảo tồn giá trị vốn có và phát triển bền vững.
Theo phương án quy hoạch, huyện Củ Chi sẽ là khu vực đô thị hóa phía bắc TPHCM. Huyện được định hướng là trung tâm công nghiệp, khu công nghệ cao, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.
Huyện Củ Chi sẽ hình thành các khu đô thị sinh thái, thương mại và dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, đào tạo, chăm sóc sức khỏe. Nơi đây cũng tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử – văn hóa – cách mạng và các viện, trường hiện có.
Huyện Hóc Môn được định hướng phát triển khu đô thị đại học quốc tế, thương mại dịch vụ, đào tạo chuyên nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, logistics, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao…
Huyện Bình Chánh là khu vực đô thị hóa phía tây của khu vực đô thị trung tâm với định hướng là trung tâm công nghiệp, trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe, trung tâm y – sinh – hóa dược, giáo dục đào tạo, thương mại và dịch vụ, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao…
Huyện Nhà Bè là khu vực đô thị hóa phía nam của khu vực đô thị trung tâm với định hướng phát triển cảng biển và đô thị cảng, logistics, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm hội chợ – triển lãm, văn hóa – giải trí, thương mại – dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, khu đại học tập trung, khu y tế kỹ thuật cao, du lịch sinh thái…
Huyện Cần Giờ sẽ chứa đựng những định hướng quan trọng của TPHCM như trung tâm phát triển kinh tế biển dựa trên cảng trung chuyển quốc tế phục vụ cho khu vực Đông Nam Á, vùng Đông Nam Bộ, vùng TPHCM và cả nước, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới ngoài khơi. Cần Giờ cần bảo vệ, phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới – rừng ngập mặn; trở thành khu vực trọng điểm du lịch sinh thái với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đột phá hạ tầng để vươn tầm thế giới
Đi cùng với việc định hướng phát triển cho từng khu vực, quy hoạch chung TPHCM cũng hướng tới đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên ngành công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao. Đi kèm với đó là những công trình, dự án, đề án lớn để hướng tới tầm nhìn trở thành trung tâm kinh tế, dịch vụ của Châu Á, hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.
Quy hoạch TPHCM đã xác định phương án phát triển các khu chức năng và các khu vực có vai trò động lực. Đáng chú ý, TPHCM sẽ nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thành lập khu thương mại tự do (quy mô khoảng 1.000-2.000ha tại Cần Giờ) gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái khi có đủ điều kiện.
Khu vực huyện Cần Giờ hiện tại cũng đầu tư xây dựng khu đô thị ven biển, đô thị du lịch lấn biển, hoàn thiện hệ thống giao thông, logistics. Hệ thống giao thông kết nối Cần Giờ với khu vực trung tâm, TP Thủ Đức, khu vực ngoại thành sẽ từng bước hình thành.
Trong tương lai, 10 trung tâm logistics của TPHCM sẽ được hình thành và phát triển tại khu vực Cát Lái, Long Bình, Linh Trung, Khu Công nghệ cao, Tân Kiên, Hiệp Phước, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Khánh. Trung tâm logistics hàng không của TPHCM được đặt tại sân khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Về phát triển giao thông, TPHCM đặt mục tiêu tập trung cho các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường vành đai đảm bảo kết nối liên vùng, giải quyết tình trạng ùn tắc cửa ngõ. Quy hoạch TPHCM cũng định hướng việc xây dựng tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trong giai đoạn tiếp theo, TPHCM tiếp tục đầu tư các tuyến đường sắt, đường sắt đô thị gắn với các khu đô thị theo mô hình TOD, đảm bảo kết nối đồng bộ với đường sắt của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. 12 tuyến đường sắt đô thị của TPHCM sẽ kết nối các đô thị vệ tinh, khu công nghiệp và nghiên cứu phát triển thêm tuyến kết nối với khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Đối với hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất cần nâng cấp để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ trở thành 1 trong 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế lớn nhất cả nước. TPHCM cũng nghiên cứu xây dựng thêm sân bay, bãi đáp trực thăng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, cứu hộ cứu nạn và phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ.
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, quy hoạch TPHCM cũng đề cập tới việc triển khai các dự án kho dự trữ xăng dầu, khí đốt cấp quốc gia; đường ống xăng dầu, khí đốt; các dự án xử lý, hóa lỏng khí. Song song với đó là các kho xăng dầu cấp thành phố để phục vụ sản xuất, đời sống.
Bên cạnh đó, khu vực TP Thủ Đức sẽ hình thành khu đổi mới, sáng tạo, đô thị tri thức, khoa học, công nghệ tại Long Phước – Tam Đa gắn với du lịch.
Những khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng cây ăn trái kết hợp du lịch ven sông Sài Gòn được bố trí tại 3 huyện phía Tây Bắc thành phố là huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Chợ đầu mối thứ 4 của TPHCM sẽ được đặt tại huyện Hóc Môn và chợ đầu mối Bình Điền sẽ trở thành trung tâm logistics nông nghiệp.
Địa phương cũng ưu tiên phát triển một số khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung (công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, vi mạch, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm, thiết bị rô bốt).