Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm hoàn thành trong năm 2024 đã giúp hạ tầng TP.HCM thay đổi diện mạo, góp phần kéo giảm ùn tắc.
Trong năm 2024, hàng loạt dự án giao thông lớn, nhỏ của TP.HCM được hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ người dân như: tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cầu Nam Lý, Rạch Đỉa, Phước Long, Tân Kỳ Tân Quý hay các tuyến đường như Dương Quảng Hàm, Hoàng Hoa Thám, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ...
Đặc biệt, metro số 1 chạy trên cao song song với trục Xa lộ Hà Nội bên dưới, tạo bức tranh hạ tầng giao thông hiện đại, đầy năng động. Trong 10 năm tới, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành 7 tuyến metro với chiều dài khoảng 355km, kết nối trung tâm với các quận huyện. Đây chắc chắn sẽ là thập kỷ bùng nổ về giao thông công cộng của TP.HCM.
Ở cửa ngõ phía Nam TP.HCM, trong tháng 8 và tháng 12/2024, hai hầm chui của nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã hoàn thành, cho thông xe. Những ngày cận tết Nguyên đán 2025, dự án đã khôi phục lại phần đường trên nắp hầm chui, tháo dỡ rào chắn, cho phép phương tiện lưu thông. Đây là dự án đặc biệt quan trọng của TP, vừa giải bài toán ách tắc giao thông trên tuyến đường huyết mạch, vừa tạo nên diện mạo hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Cũng trong năm 2024, hai cây cầu Phước Long, Rạch Đỉa ở phía nam TP.HCM thông xe, thay thế các cây cầu cũ đã xuống cấp nghiêm trọng trong sự vui mừng của người dân. (Trong ảnh, cầu Rạch Đỉa nằm bên cạnh nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ lượng phương tiện cho cầu Nguyễn Hữu Thọ đã quá tải suốt nhiều năm qua).
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban giao thông) cho biết, trong năm 2025, đơn vị phấn đấu khởi công dự án xây dựng cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi trên địa bàn quận 7 để biến mục tiêu thay thế 4 cầu cũ, yếu. Những dự án này cũng là một phần trong chiến lược nâng cấp hạ tầng giao thông của thành phố, hướng tới hiện đại hóa mạng lưới cầu đường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối các khu vực.
Tại khu vực cửa ngõ Tân Sơn Nhất, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và một đoạn công trình xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa đã thông xe kịp thời dịp cao điểm Tết 2025. Hai tuyến đường này là mảnh ghép quan trọng trong hạ tầng sân bay, góp phần giảm áp lực giao thông tại khu vực vốn thường xuyên quá tải.
Mặc dù hai tuyến đường chưa hoàn thiện hoàn toàn, nhưng việc thông xe trước Tết giúp xe cộ từ đường Cộng Hòa vào Hoàng Hoa Thám - đường nối Trần Quốc Hoàn - các tuyến đường quanh sân bay như: Trường Sơn, Hồng Hà, công viên Hoàng Văn Thụ... và ngược lại thuận lợi hơn, giảm bớt thời gian ùn ứ vào giờ cao điểm.
Đặc biệt, khi nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất đưa vào hoạt động (dự kiến 30/4/2025), hai tuyến đường này sẽ kết nối đồng bộ, giúp việc đến và rời sân bay thuận lợi, nhanh chóng.
Ở cửa ngõ phía tây TP, hai cây cầu Tân Kỳ Tân Quý và Bà Hom đã hoàn thành, thông xe sau nhiều năm dang dở. Giống như nhiều dự án khác, hai cây cầu này đều có khoảng thời gian dài "đắp chiếu" vì vướng mặt bằng, thủ tục pháp lý... Người dân khu vực nhiều năm sống chung với cảnh đường sá chật hẹp, cầu tạm cũ kỹ, xuống cấp. Đến nay, diện mạo khu vực đã được nâng cấp với cây cầu khang trang, rộng rãi, sạch đẹp.
Ngoài các dự án nêu trên, trong năm 2024, TP.HCM đã hoàn thiện hàng loạt dự án khác như: đường Tên Lửa, đường Dương Quảng Hàm, một đoạn đường Lương Định Của, cầu Nam Lý, cầu Ông Bồn, một đoạn đường song hành QL50... Trong năm 2025, TP.HCM tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông với nhiều dự án quan trọng.
Ông Lương Minh Phúc cho biết, năm 2025 được xác định là năm của những dự án kết nối liên vùng. TP.HCM sẽ khởi công loạt công trình liên kết vùng như: cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 3; thông qua chủ trương đầu tư đường vành đai 4... Đồng thời, mở rộng các tuyến cao tốc cửa ngõ như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hoàn thiện thông xe cao tốc Bến Lức - Long Thành...
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ khởi công một số dự án để hoàn thiện trục Bắc - Nam như cầu đường Bình Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ. Ngoài ra, những trục giao thông rất lớn như trục động lực 50B kết nối TP.HCM - Long An, cầu vượt thép tại các nút giao thông ở TP.HCM như ngã bảy, ngã sáu, công trường Dân Chủ cũng được nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư.
Năm 2025 cũng là năm cuối cùng hoàn thành các chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, là năm đặt dấu mốc quan trọng đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ cùng TP tiến vào kỷ nguyên phát triển mới. Với những mục tiêu đặt ra, chắc chắn TP.HCM sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ, hoàn thiện hạ tầng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-thay-doi-voi-loat-cong-trinh-trong-diem-hoan-thanh-19225012614451147.htm
Bình luận (0)