Theo đó, công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (GDĐT) đã yêu cầu lãnh đạo các phòng giáo dục và các trường học tại các quận, huyện và TP. Thủ Đức phải chủ động triển khai các biện pháp để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút (thường gặp là Adenovirus).
Đầu tiên đó là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang,…;
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh;
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác;
Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm,… cần hướng dẫn trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Đồng thời thông báo kết quả khám bệnh cho giáo viên chủ nhiệm được biết.
Trong trường hợp có ca bệnh trong lớp học, cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh; Thông báo thông tin ca bệnh cho trạm y tế để phối hợp xử lý.
Các trường cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và phụ huynh. Đồng thời truyền thông tạo sự đồng thuận cho phụ huynh với thông điệp không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học đến trường.
Trước đó theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 5/9, tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố có 71.740 lượt khám chữa bệnh do viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tăng 21,9%, so với cùng kỳ năm 2022 (58.853 ca).
Trong số này, có hơn 1.011 ca đau mắt đỏ có biến chứng, chiếm 1,41% (cùng kỳ năm 2022 là 892 ca biến chứng, chiếm 1,52%). Các biến chứng của bệnh đau mắt đỏ thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực… .
Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh đau mắt đỏ trong 8 tháng đầu năm 2023 là 23.873 ca, chiếm 33,3% (cùng kỳ năm 2022 là 10.467 ca, chiếm 19,5%). Trong đó có 298 ca biến chứng, chiếm 1,65% (cùng kỳ năm 2022 có 260 ca biến chứng, chiếm 1,65%).
Riêng từ ngày 1 – 10/9, số lượt khám chữa bệnh đau mắt đỏ tại các bệnh viện ở TP.HCM là 5.039 ca, tăng 96,5% so so với 10 ngày trước đó. Trong số đó có 232 ca có biến chứng (4,6%), tăng 33% so với 10 ngày trước đó (174 ca). Số trẻ dưới 16 tuổi bị đau mắt đỏ trong 10 ngày qua là 3.708 ca, chiếm 73,6%, tăng 2,8 lần so với 10 ngày trước đó. Trong đó 116 ca có biến chứng.