Chiều 22/2, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ GTVT tham dự cuộc họp triển khai dự án Vành đai 4 tại trụ sở UBND TP.HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo UBND các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cùng dự.
Các địa phương ủng hộ phương án đầu tư PPP
Tại cuộc họp, ông Phạm Hữu Sơn – Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) cho rằng, để triển khai Vành đai 4 nhịp nhàng, các địa phương nên thống nhất chung các chuẩn mực về bề rộng làn xe và dải phân cách cứng ngay từ giai đoạn đầu.
Đây là ý kiến đồng quan điểm với Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm khi báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT tại cuộc họp trước đó.
“Hiện nay, các địa phương đang xin cơ chế đầu tư PPP trên 50% nên tránh chuyện bóp làn mà cần thống nhất chung bề rộng mỗi làn. Như trường hợp Vành đai 4 tại Long An, thay vì chiều rộng làn xe 3,5m thì xem xét điều chỉnh lên 3,75m, do thực trạng đoạn tuyến Vành đai 4 chủ yếu là xe tải vận chuyển hàng hóa. Như vậy để nâng cao an toàn giao thông khi khai thác tuyến đường”, ông Lâm nhận định.
Đánh giá tương quan với dự án Vành đai 4 mà thủ đô Hà Nội từng triển khai, đại diện TEDI cho biết: “Giai đoạn triển khai Vành đai 4 tại Hà Nội có nhiều khác biệt so với Vành đai 4 của TP.HCM và các tỉnh lân cận. Dự án Vành đai 4 Hà Nội có đến 9 dự án thành phần nhưng chỉ có dự án thành phần 7 là đầu tư hình thức PPP. Chính vì vậy, Vành đai 4 TP.HCM đang triển khai có nhiều thuận lợi hơn nếu theo phương án nhà đầu tư 50%, ngân sách 50%”.
Mặc dù vậy, theo ông Sơn, hiện tham gia vào dự án Vành đai 4 có đến 3 đơn vị tư vấn nên mỗi đơn vị tính toán từng dự án thành phần một thời gian hoàn vốn khác nhau. Có đoạn 20 năm, có đoạn 21 năm, có đoạn lại 25 năm. Điều này dẫn đến ảnh hưởng phương án tài chính tổng thể khi Chính phủ, Quốc hội xem xét. Bộ GTVT cần sớm chọn đơn vị phụ trách tư vấn tổng thể để rà soát chung, lập báo cáo toàn bộ tuyến.
Cần sớm có “nhạc trưởng” tư vấn tổng thể
Là một trong các địa phương kỳ vọng sớm làm Vành đai 4 nhất, ông Võ Văn Phi – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh cũng đã đưa dự án vào mục tiêu đầu tư công nhưng quá trình triển khai chưa phê duyệt được dự án, lý do là nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Nếu thống nhất lựa chọn phương án đầu tư PPP 50%, tỉnh Đồng Nai ủng hộ thiết kế bề rộng mặt cắt ngang tuyến Vành đai 4 từ 25,5m – 27m để đảm bảo mỹ quan, an toàn.
Tuy nhiên, hiện tỉnh Đồng Nai đang đầu tư dàn trải nhiều dự án quan trọng nên kiến nghị điều tiết tỷ lệ phân chia ngân sách lên 53% thay vì 50% như hiện tại trong liên tục 5 năm. Điều này, nhằm tạo điều kiện cho Đồng Nai có thêm nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong đó có Vành đai 4.
Đánh giá về tổng thể dự án Vành đai 4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, TP.HCM và 4 tỉnh còn lại cần gấp rút, đồng lòng triển khai. Riêng TP.HCM sẽ làm ngày làm đêm kể từ hôm nay để kịp trình dự án xin chủ trương đầu tư vào kỳ họp Quốc hội tháng 6. Như vậy, chậm nhất cuối tháng 3 này, toàn bộ hồ sơ cơ bản của dự án phải được đơn vị tư vấn và các địa phương hoàn thiện.
Chính vì vậy, TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT sớm giao nhiệm vụ cho đơn vị tư vấn tổng thể để rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, tài chính. Bên cạnh đó, mỗi địa phương lại có một cơ chế đặc thù riêng nên tinh thần chung là tất cả phải khẩn trương.
Lắng nghe ý kiến của các địa phương triển khai dự án Vành đai 4, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh, thành phố trong quá trình nghiên cứu.
“Vành đai 3 đã rất quan trọng và Vành đai 4 cực kỳ quan trọng, góp phần liên kết vùng và tạo ra không gian mới kết nối với các đô thị. Sau khi có đơn vị tư vấn tổng thể, các tỉnh cần sớm thống nhất phương thức đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, phân kỳ đầu tư để trình Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.