Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh, người dân và các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh, người dân và các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Ngày 7/2, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm mùa.
Theo Bộ Y tế, hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại Việt Nam ghi nhận các thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản.
Cụ thể, dữ liệu công bố (ngày 31/1/2025) của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản cho hay, từ ngày 2/9/2024 - 26/1/2025 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 (từ 23-29/12/2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm, đặc biệt là trong thời điểm thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra một số yêu cầu và khuyến cáo nhằm tăng cường công tác phòng dịch.
Theo yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố cần tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm và yêu cầu người dân khi đến khám, điều trị, liên hệ công tác tại các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm lây sang người. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh và Trung tâm Y tế quận, huyện, Thành phố Thủ Đức để giám sát các trường hợp cúm, nghi ngờ viêm phổi nặng do virus (SVP) trên địa bàn thành phố, thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, Sở Y tế yêu cầu tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông để cung cấp thông điệp nhằm giúp người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Các Phòng Y tế cần triển khai nội dung công văn này đến các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa trên địa bàn quản lý. Đặc biệt, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập cần báo cáo các ca bệnh hoặc nghi ngờ bệnh viêm phổi do virus, cúm về trạm y tế, Trung tâm Y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Tại TP.HCM, theo thống kê, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm, đến thời điểm hiện tại thành phố chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm.
Về dịch cúm mùa theo Ths.Đồng Phú Khiêm, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người dân không nên tự ý mua kháng sinh hay thuốc kháng virus, và cần đi khám khi có dấu hiệu cúm để được điều trị sớm.
Cúm mùa là bệnh do các chủng virus cúm (chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2, cúm B) gây ra, thường xuyên lưu hành trong cộng đồng và có thể bùng phát thành các đợt dịch nhỏ hoặc đôi khi là dịch quy mô lớn.
Bác sỹ Khiêm cho biết, cúm mùa thường có "độc lực thấp" và chỉ gây bệnh nặng ở những người có yếu tố nguy cơ cao như người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai ba tháng cuối, và những người có bệnh lý nền hô hấp, tim mạch, suy giảm miễn dịch.
“Mọi người không cần phải hoang mang, nhưng cũng không nên chủ quan, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ nhiễm cúm nặng,” bác sỹ Khiêm nhấn mạnh.
Biểu hiện của cúm rất dễ nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp khác. Tuy nhiên, việc chẩn đoán sớm và sử dụng thuốc kháng virus phù hợp có thể ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong.
Bác sỹ Khiêm khuyến cáo những người có bệnh lý nền cần chú ý đến các dấu hiệu như sốt, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi, và nên đi khám sớm để được sàng lọc cúm và sử dụng thuốc kháng virus kịp thời. Việc khám muộn có thể dẫn đến điều trị tốn kém và khó khăn.
Kháng sinh: Không tự ý mua và sử dụng kháng sinh vì thuốc này không có tác dụng với cúm và có thể gây tác dụng phụ không mong muốn.
Thuốc kháng virus: Tương tự, không nên tự ý mua thuốc kháng virus vì điều này có thể làm tăng nguy cơ kháng thuốc, gây khó khăn trong việc cung cấp thuốc cho những người thật sự cần thiết. Thuốc kháng virus chỉ có hiệu quả đối với những người có nguy cơ mắc cúm nặng hoặc khi bệnh đã phát triển nặng.
Bác sỹ Khiêm khuyến cáo việc tiêm vắc-xin cúm hàng năm là cách phòng ngừa tốt nhất, đặc biệt đối với người cao tuổi và những người có bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, tiểu đường, xơ gan và suy giảm miễn dịch.
Bác sỹ Khiêm cũng cảnh báo rằng xét nghiệm test nhanh cúm có độ nhạy tương đối thấp. Vì vậy, ngay cả khi kết quả test nhanh âm tính, các bác sỹ cũng không nên bỏ qua khả năng mắc cúm, đặc biệt đối với những bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp hoặc suy hô hấp.
Đối với bệnh nhân có biểu hiện nặng, cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán có độ nhạy cao hơn như PCR cúm và xét nghiệm MuliPCR. Việc sử dụng thuốc kháng virus cúm càng sớm càng tốt có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm nặng.
Cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu, suy đa tạng, và làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ. Đặc biệt, cúm có thể khiến các bệnh lý mãn tính như hen suyễn, suy tim trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, cúm còn làm tổn thương đường hô hấp, tạo điều kiện cho các loại virus và vi khuẩn khác xâm nhập, gây bội nhiễm. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, 90% ca tử vong ở người cao tuổi là do viêm phổi và cúm.
Theo WHO, tiêm vắc-xin cúm là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Vắc-xin cúm đã được chứng minh an toàn và hiệu quả, được sử dụng hơn 60 năm qua.
Nguồn: https://baodautu.vn/tphcm-ra-van-ban-khan-ve-phong-chong-dich-cum-mua-d244793.html
Bình luận (0)